CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
Các Tập đoàn, Tổng Công ty đi đầu trong hưởng ứng CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

20-08-2014

Theo báo cáo của Bộ Công thương, sau 2 năm triển khai, bước đầu thực hiện Thỏa thuận chung đã đạt một số kết quả như: nhiều hợp đồng đã được ký kết với tổng giá trị xấp xỉ 71.000 tỷ đồng (chưa kể các hợp đồng mua bán điện, xăng dầu). Kết quả nổi bật như tiêu thụ mặt hàng quần áo bảo hộ lao động có giá trị khoảng 55,6 tỷ đồng; giấy in ram và giấy copy 165 tỷ đồng, máy thiết bị điện 4.164,4 tỷ đồng, thép xây dựng 5.200 tỷ đồng...

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng điều hành Hội nghị

 

Hợp tác song phương về ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa một số tập đoàn, tổng công ty, công ty trực thuộc Bộ cũng có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể như: Vinatex đã cung ứng 98.572 bộ bảo hộ lao động/đồng phục với trị giá trên 34,6 tỷ đồng cho EVN. Ngược lại, EVN và các đơn vị thành viên đảm bảo nguồn điện cung cấp cho các đơn vị thành viên và nhà máy thuộc Vinatex. EVN và các đơn vị thành viên đảm bảo nguồn điện cung cấp cho các nhà máy, đơn vị thành viên thuộc VINAPACO (riêng công ty Bãi Bằng sử dụng điện lên tới 60,8 tỷ đồng). Ngược lại các đơn vị của EVN sử dụng giấy viết, giấy in của VINAPACO cho công việc văn phòng của EVN và các công ty thành viên. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã thực hiện các hợp đồng mua bán 3.268 bộ bảo hộ lao động/đồng phục với trị giá trên 1,1 tỷ đồng. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã thực hiện các hợp đồng mua bán 11.000 bộ bảo hộ lao động/đồng phục với trị giá trên 4,5 tỷ đồng và sản phẩm gas đốt trị giá trên 445 triệu đồng. Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn và Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông đã ký hợp đồng mua bán 33.098 áo mưa quảng cáo trị giá 1,320 tỷ đồng và 150.000.000 nhãn bia trị giá 15,4 tỷ đồng....

 

Tại Hội nghị, đại diện các tập đoàn, tổng công ty kiến nghị Chính phủ có thêm những chính sách ưu đãi cụ thể về vốn và định hướng về công nghệ, sản phẩm tạo ra môi trường kinh doanh thích hợp để các doanh nghiệp trong nước có thể phát triển sản xuất, sáng tạo sản phẩm mới đặc biệt là các sản phẩm có tính kỹ thuật cao, cải tiến về chất lượng cũng như mẫu mã nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, gồm chủng loại, mẫu mã, chất lượng và giá cả. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ về vốn và kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với các đơn vị nghiên cứu như viện, trường để phát triển sản xuất, sản phẩm kỹ thuật cao. 

 

Chủ tịch HĐTV Vinatex Trần Quang Nghị phát biểu tại Hội nghị

 

Thay mặt Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Chủ tịch HĐTV Trần Quang Nghị bày tỏ quan điểm Cuộc vận động nói chung và Thỏa thuận giữa các Tập đoàn, Tổng Công ty nói riêng là chủ trương đúng đắn của Chính phủ và Bộ Công Thương. Với sự tự nguyện của các bên tham gia nhưng thỏa thuận cũng cần phải được đảm bảo bằng chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm, như vậy mới đảm bảo tính khách quan của nền kinh tế thị trường. “Bộ Công Thương cần có đánh giá về khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, từng nhóm sản phẩm để có thể thấy được sự phù hợp về giá giữa sản phẩm trong nước sản xuất so với hàng nhập khẩu. Nếu tương đương về giá và chất lượng thì cần ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước. Quá trình sử dụng sản phẩm của nhau rất cần có sự giám sát của Bộ nhằm đánh giá nội lực của từng công ty và sản phẩm, nếu có thể cùng hợp tác thì lãnh đạo các tập đoàn phải ngồi với nhau để có bước đi phù hợp cho nhóm sản phẩm trên tinh thần đảm bảo khả năng cạnh tranh" ông Trần Quang Nghị nhấn mạnh.

 

Vinatex là một trong ba Tập đoàn được nhận Bằng khen của Bộ Công Thương vì đã có thành tích tốt trong thực hiện Thỏa thuận

 

Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, trong đó có đề xuất của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá đây là cuộc vận động do tổ chức chính trị xã hội là MTTQ Việt Nam phát động, mang tính tự nguyện song vẫn đảm bảo cơ chế thị trường, hoat động theo đúng quy định pháp luật về kinh doanh, đấu thầu và đầu tư, đảm bảo thực thi các nguyên tắc của hội nhập kinh tế thế giới. Điều đó có nghĩa rằng các doanh nghiệp muốn tận dụng các điều khoản thỏa thuận thì đều cần mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng ngang tầm với các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu trong khối, tăng thị phần trên thị trường nội địa. Về phía Bộ Công thương, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và các Hiệp hội chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, việc triển khai Thỏa thuận trong 2 năm qua đã được những kết quả khích lệ ban đầu song cần phải lan tỏa và mở rộng quy mô hơn nữa. Không chỉ giới hạn trong việc hợp tác giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ mà Thỏa thuận cần mở rộng với các công ty, doanh nghiệp sản xuất trong nước ngoài Bộ.

 

Tập đoàn Dệt May và Tập đoàn Dầu khí ký Thỏa thuận hợp tác tiếp tục thúc đẩy sử dụng sản phẩm của nhau

 

Nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong sử dụng sản phẩm nội khối, tại Hội nghị, Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác tiếp tục thúc đẩy sử dụng sản phẩm của nhau. Theo đó, Tập đoàn Dầu khí sẽ tiếp tục sử dụng trang bị quần áo bảo hộ lao động do Tập đoàn Dệt May sản xuất và các doanh nghiệp thành viên sản xuất, ngược lại Vinatex sẽ tăng cường tiêu thụ xăng dầu, xơ và sợi do Tập đoàn Dầu khí cung ứng.

 

Vinatex