CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
Phát triển thị trường lao động thích ứng với yêu cầu mới

12-07-2022

Nhu cầu lao động chất lượng cao

Cùng với những khởi sắc của nền kinh tế TP Hồ Chí Minh sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động thành phố đang có những bước phục hồi mạnh mẽ trong quý II-2022. Theo báo cáo tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) TP Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm, thành phố đã giải quyết việc làm cho 26.427 lượt người và tạo việc làm mới cho 11.982 lượt lao động.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho 162.781/300.000 lượt người (đạt 54,26% kế hoạch năm) và tạo ra 72.756/140.000 việc làm mới (đạt 51,97% kế hoạch năm). So với cùng kỳ năm 2021, số lao động được giải quyết việc làm tăng 12.023 lượt người, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 4,01%; số chỗ việc làm mới tăng 4.594 chỗ, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 3,28%.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động thành phố tiếp tục tăng so với quý trước; TP Hồ Chí Minh là địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động cao nhất cả nước (9,1 triệu đồng).

Phát triển thị trường lao động thích ứng với yêu cầu mới

Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2021 và sự phát triển quy mô sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động TP Hồ Chí Minh vẫn thiếu hụt lao động chất lượng cao ở một số ngành nghề. Hằng năm, các doanh nghiệp thường cần nguồn lao động này để đáp ứng tốc độ tăng trưởng và việc phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới.

Hiện nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh liên tục đăng tuyển dụng lao động cho các vị trí cần nhân lực chất lượng cao như: Quản lý, bộ phận nghiên cứu và phát triển, kỹ sư cơ khí, kỹ sư thiết kế trong lĩnh vực điện tử, tự động hóa, chuyên gia năng lượng, vật liệu mới, công nghệ nano...

Việc tuyển dụng các vị trí trên không thực sự dễ dàng khi thực trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao đã tồn tại trước khi dịch Covid-19 diễn ra.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố) vừa công bố dự báo nhu cầu nhân lực của 6 ngành công nghiệp quan trọng tại thành phố trong giai đoạn 2022-2026.

Theo đó, giai đoạn 2022-2026, TP Hồ Chí Minh tập trung phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, phát triển công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ và thiết bị hiện đại.

Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm bao gồm ngành cơ khí; điện tử-công nghệ thông tin; chế biến tinh lương thực thực phẩm; hóa dược-cao su cần từ 271.510 đến 322.897 chỗ làm việc. Hai ngành dệt may và giày da cũng được dự báo thu hút một lượng lớn lao động có tay nghề cả hiện tại và trong tương lai.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định về Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực trọng điểm đến năm 2025, gồm lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí-ô tô, cơ điện tử, tự động hóa, điện-điện tử, logistics, du lịch, xây dựng, công nghệ môi trường.

Đồng thời, xây dựng các giải pháp đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, hiệu quả phục vụ phát triển KT-XH của thành phố. Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Cung-cầu lao động chất lượng cao cho thị trường các nước Đông Á: Thách thức và giải pháp đối với TP Hồ Chí Minh” mới đây, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã nhìn nhận việc đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực đang là vấn đề mang tính cấp bách để bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại. Cơ sở đào tạo cần mở rộng quan hệ với doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội thực tập, làm việc thử trong môi trường thực tế.

Các ngành chức năng cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề đáp ứng với đòi hỏi đa tầng của trình độ lực lượng sản xuất, trình độ công nghệ và đặc điểm của các vùng, lĩnh vực trong giai đoạn mới; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, không gian khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo khởi nghiệp cho thanh niên học nghề để giúp thanh niên đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp và tự tạo việc làm.

Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến cho rằng: "Cần thiết phải có những định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực đáp ứng những yêu cầu và tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khu vực. Việc phát triển nhân lực lao động nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao tại TP Hồ Chí Minh nói riêng về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội của đất nước”.

Trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Để giải quyết nhu cầu lao động chất lượng cao trong điều kiện “bình thường mới”, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần quan tâm hơn nữa đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp cần nới lỏng các quy định về lao động; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ thanh khoản, thuế doanh nghiệp... Đối với người lao động, cần chú trọng các chính sách tạo việc làm, an sinh xã hội; đẩy mạnh truyền thông kết nối cung cầu lao động; nâng cao trình độ chuyên môn, tác phong công nghiệp trong lao động.

HOÀNG NGÂN

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/phat-trien-thi-truong-lao-dong-thich-ung-voi-yeu-cau-moi-699601

qdnd