CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
Đơn hàng dù nhiều, doanh nghiệp dệt may vẫn lo

12-07-2022

Ảnh min họa.

Ảnh minh họa.

Sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 22,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được coi là một kết quả khả quan của ngành dệt may. Tuy nhiên, tình hình 6 tháng cuối năm lại không khả quan được như vậy.

Đơn hàng dù nhiều nhưng giá lại không tốt như mọi năm do người tiêu dùng các thị trường xuất khẩu chính bắt đầu thắt chặt chi tiêu vì lo ngại lạm phát. Thêm vào đó, các doanh nghiệp dệt may cũng đang đối diện với bài toán thiếu nguyên liệu, lao động và tăng chi phí do giá xăng dầu leo thang... dẫn tới tình trạng phải tính toán, cân đối các chi phí để duy trì sản xuất.

NGUY CƠ GIẢM HOẶC DỪNG ĐƠN HÀNG

Trước đây, Xí nghiệp 8 Chi nhánh Cẩm Thủy, Tập đoàn Hồ Gươm, ký trung bình mỗi hợp đồng với đối tác đến từ Hoa Kỳ với đơn hàng đặt may tới 300.000 - 400.0000 quần trẻ em thời trang. Mặc dù đây là sản phẩm thế mạnh của công ty, nhưng từ quý 2 vừa qua số lượng đơn hàng chỉ còn dưới 200.000 chiếc, bằng 20% tổng sản lượng xuất khẩu của công ty. “Dự kiến từ nay đến cuối năm chưa có gì khả quan. Thường trước đây phía đối tác luôn nôn nóng lấy hàng, hàng sản xuất đến đâu là hết đến đấy, nhưng đến thời điểm hiện tại họ rất thờ ơ vì chưa có nhu cầu”, ông Khương Văn Tài, Giám đốc Xí nghiệp 8 Chi nhánh Cẩm Thủy, Tập đoàn Hồ Gươm lo lắng.

Tham dự hội nghị về chuỗi cung ứng bông bền vững diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết dù công ty đã có đơn đặt hàng đến hết quý 3 và một số mặt hàng thế mạnh như sơmi, veston đã có đơn hàng đến hết năm 2022, nhưng nếu thị trường tiêu thụ chậm, tỷ lệ tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng lên, khách hàng có thể điều chỉnh giảm hoặc hủy đơn đột ngột. Với chuỗi sản xuất, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng khiến giá thành sản xuất tăng theo, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp đang ngày càng thu hẹp.

Đây cũng là lo ngại của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công. Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Công ty cho rằng nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may trong quý 4 có thể chậm lại do Mỹ bắt đầu áp dụng Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ (UFLPA) từ ngày 21/6, khiến các nhãn hàng chững lại trong việc đặt hàng. “Họ không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai nên tình hình đơn đặt hàng cũng bị giảm lại. Ví dụ trước kia họ có thể đặt 100.000 sản phẩm thì bây giờ chỉ đặt khoảng 70.000 sản phẩm vì sợ không bán được”, ông Tùng cho biết.

Đơn hàng bị rút ngắn do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và người dân thắt chặt chi tiêu.

Đơn hàng bị rút ngắn do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và người dân thắt chặt chi tiêu.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), thừa nhận lạm phát và việc Fed tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến sức mua tại thị trường Mỹ và EU. Đây là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. “Ngành dệt may đặt mục tiêu năm nay xuất khẩu đạt 43 - 44 tỷ USD, tuy nhiên tôi cho rằng toàn ngành có thể không cán đích đề ra nhưng vẫn tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Thời nhận định.

Vị Chủ tịch TNG cho rằng từ tháng 8 đến tháng 12 sẽ có sự phân hóa rõ năng lực của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tốt, có uy tín sẽ nhận được nhiều đơn hàng còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ, uy tín thấp, thì số lượng đơn hàng kém hơn.

Theo phản ánh của các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước, nếu như trước đây, khách hàng thường đặt hàng trước 6 tháng thì nay chỉ đặt hàng trước 3 tháng, đơn hàng bị rút ngắn do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và người dân thắt chặt chi tiêu.

Lý giải về tình trạng này, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết phần lớn lượng hàng tồn kho của phía đối tác châu Âu, Mỹ là quần áo mặc thiết yếu ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát khi người dân hạn chế ra ngoài, nay lượng hàng này dồn lại. Ngoài ra, nhu cầu chuyển sang các mặt hàng quần áo công sở, du lịch, hoạt động ngoài trời khiến doanh nghiệp sẽ mất thời gian xử lý hàng tồn.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang dự báo nửa cuối năm 2022 thị trường thế giới sẽ có nhiều biến động khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp và mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành dệt may. Tình hình lạm phát mạnh tại Mỹ và châu Âu khiến giá cả lương thực thực phẩm tăng vọt sẽ khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có dệt may giảm sút đáng kể. Việc này sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quý 3 và 4.

NỖ LỰC TÌM GIẢI PHÁP

Cùng với áp lực lạm phát, cuộc chiến Nga - Ukraine chưa có hồi kết trong khi giá xăng dầu, chi phí vận tải biển liên tục tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp đội lên, giá các loại nguyên liệu đã tăng gần 30% so với trước là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt. Điều này tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ. Biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước tiếp tục bị thu hẹp.

Trước những thách thức trên, doanh nghiệp dệt may trong nước đang nỗ lực tìm giải pháp. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 43 - 43,5 tỷ USD năm 2022 vẫn có khả năng đạt được nếu doanh nghiệp được hỗ trợ kịp thời. Do đó, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị: liên quan đến giao thương với đối tác Nga, doanh nghiệp đang lúng túng, thậm chí có doanh nghiệp đã sản xuất mà không thể giao hàng; các cơ quan chức năng cần có khuyến cáo hoặc định hướng cho doanh nghiệp, nhất là làm thế nào để đảm bảo an toàn cho hàng hóa.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho rằng phải luôn chuyển đổi, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước để chủ động về thời gian giao nhận, tiết kiệm chi phí vận chuyển; đồng thời thường xuyên đàm phán, tìm kiếm khách hàng, đơn hàng mới nhằm duy trì sản xuất thường xuyên và việc làm ổn định cho người lao động. “Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tìm ra đơn hàng tại các thị trường khác để bù đắp vào khoảng trống do các nhãn hàng Mỹ để lại”, ông Vũ Đức Giang khuyến nghị.

Tình hình lạm phát mạnh khiến giá cả lương thực thực phẩm tăng vọt sẽ khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có dệt may giảm sút đáng kể.

Tình hình lạm phát mạnh khiến giá cả lương thực thực phẩm tăng vọt sẽ khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có dệt may giảm sút đáng kể.

Về phía doanh nghiệp, để chống chọi với những khó khăn này, mỗi đơn vị đều đang tích cực theo dõi diễn biến thị trường để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp thực tế. Đơn cử như Tổng công ty May 10, doanh nghiệp này đang tập trung việc quản trị đơn hàng, kế hoạch sản xuất phù hợp với biến động thị trường. “Trước kia chúng tôi thường làm theo quý, theo tháng, còn giờ phải làm theo ngày theo tuần. Đây là điều bắt buộc doanh nghiệp phải linh hoạt bởi những biến động về chính trị, giá cả hàng hóa và giá nguyên liệu đầu vào”, ông Thân Đức Việt chia sẻ.

Ngoài “xanh hóa” quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, các chuyên gia cũng cho rằng để có thể duy trì tăng trưởng xuất khẩu hai con số, các doanh nghiệp dệt may cần tìm đối tác mới ngay chính trong thị trường truyền thống, với những mặt hàng đặc trưng có giá trị xuất khẩu cao.

Về lâu dài, giải pháp ứng phó của ngành may là ưu tiên các biện pháp giữ ổn định lao động, linh hoạt chuyển đổi mặt hàng, điều phối hoặc cắt giảm thời gian sản xuất, đảm bảo đủ việc làm cho người lao động trong thời gian chờ tìm kiếm các đơn hàng mới.

Lưu Hà

https://vneconomy.vn/don-hang-du-nhieu-doanh-nghiep-det-may-van-lo.htm

vneconomy