CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
Lạm phát tăng cao ở Mỹ và EU, dệt may Việt lo gặp khó

23-06-2022

Chia sẻ tại Hội thảo Chuỗi cung ứng bông bền vững do Hiệp Dệt may Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Bông Mỹ (US.Cotton) tổ chức, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 22 tỉ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ.

Ngành sợi Việt Nam cũng ghi nhận sự bứt phá khi từ một nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu sợi nhập khẩu, năm 2021 nước ta đã xuất khẩu được 5,6 tỉ USD sợi. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sợi đã đạt xấp xỉ 3 tỉ USD.

Đây là những con số ấn tượng đối với ngành dệt may trong bối cảnh vừa trải qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 kéo dài.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cũng chia sẻ những tin vui khi 6 tháng đầu năm doanh số xuất khẩu của công ty rất tích cực, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt trên 30%.

Các khách hàng ở thị trường Mỹ, EU có tốc độ phục hồi nhanh chóng, nhờ đó số lượng đặt hàng tăng 20-30% so với cùng kỳ năm 2021, thậm chí một số khách hàng có đơn đặt tăng hơn trước thời điểm dịch COVID-19.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng thẳng thắn thừa nhận, họ đang phải đối mặt với nhiều biến động của tình hình thế giới hiện nay. Cụ thể, mức độ lạm phát mạnh tại Mỹ và châu Âu khiến giá lương thực tăng cao, dẫn tới nhu cầu cho dệt may giảm sút, điều này sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quý III và quý IV.

Ông Việt lo ngại, mặc dù đã có đơn đặt hàng đến hết quý III và một số mặt hàng thế mạnh như sơ mi, veston đã có đơn hàng đến hết năm 2022, nhưng nếu thị trường tiêu thụ chậm, tỉ lệ tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng lên khách hàng có thể điều chỉnh giảm hoặc hủy đơn đột ngột.

“Thêm vào đó, chuỗi sản xuất, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu đang tăng khiến giá thành sản xuất tăng theo, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng thu hẹp” - ông Việt bày tỏ.

Trên thực tế, theo ông Vũ Đức Giang, xung đột Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu cùng chi phí vận tải biển tăng liên tục đã kéo theo các chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao. "Giá các loại nguyên liệu đã tăng gần 30% so với trước. Đây là thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt"- ông Giang nói.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp bày tỏ đang tích cực theo dõi diễn biến thị trường để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng chủ động chuyển đổi, đa dạng hoá nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, để chủ động về thời gian giao nhận, tiết kiệm chi phí vận chuyển...

T. HÀ
https://plo.vn/lam-phat-tang-cao-o-my-va-eu-det-may-viet-lo-gap-kho-post685587.html
plo