CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
Doanh nghiệp may mặc, da giày chủ động khắc phục khó khăn trong bối cảnh mới

07-06-2022

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV X20, Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga, TP Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hằng

Được biết, từ đầu tháng 2-2022 đến nay, khi Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero COVID”, tình hình giao thương, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt - Trung và các cảng biển Trung Quốc đều giảm công suất. Trong bối cảnh nguồn nguyên, phụ liệu may mặc trong nước vẫn đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc tới hơn 90%, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đầu vào của DN trong nước.

Theo Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay, lượng đơn hàng may mặc, da giày đến với các DN trong tỉnh khá đều đặn. Ở một số DN lớn có thể đạt mức tăng trưởng 30 - 40%. Trong những tháng đầu năm, các DN đã có nguồn nguyên liệu được dự trữ từ cuối năm 2021. Tuy nhiên từ tháng 2 đến nay, nguồn cung nguyên liệu rất nhiều thời điểm về chậm so với kế hoạch, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất của DN. Đến thời điểm này, số DN may mặc, da giày có đủ nguồn cung nguyên phụ liệu, bảo đảm hoạt động sản xuất đến hết quý II và quý III là không nhiều. Trong bối cảnh đó, nhiều DN đã chủ động, linh hoạt bằng nhiều cách làm khác nhau để duy trì đơn hàng sản xuất. Điển hình như tại Công ty TNHH May Huệ Anh (thị xã Bỉm Sơn), hiện đơn vị cơ bản đủ nguyên liệu cho sản xuất đến hết tháng 9 năm nay. Đại diện DN cho biết: Từ nhiều năm nay, ngoài Trung Quốc, DN đã chủ động tìm kiếm nguồn cung từ thị trường Hàn Quốc và trong nước; đồng thời, linh hoạt các phương án, hình thức giao, nhập hàng. Do vậy, 16 chuyền may của đơn vị vẫn đang hoạt động hết công suất, bảo đảm sản xuất ổn định và đáp ứng được tiến độ giao hàng cho các đối tác đến từ thị trường Mỹ, EU và một số nước châu Á.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Khi thị trường Trung Quốc bị gián đoạn nguồn cung ở nhiều thời điểm, các đơn hàng nguyên phụ liệu thường về chậm 1 - 2 tháng so với kế hoạch. Nguy cơ bị giảm công suất kéo theo chậm trễ đơn hàng đang đặt ra những sức ép lớn cho DN. Trong khi đó, việc chuyển qua nhập khẩu từ thị trường khác là không dễ đối với tất cả các DN bởi chi phí vận chuyển và logistics đang ở mức cao. Giải pháp trước mắt mà DN dệt may thực hiện là tìm kiếm thêm nguồn cung nguyên phụ liệu và thương lượng với đối tác để kéo dài thời gian giao hàng.

Không chỉ gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu, nhiều DN may mặc còn đang phải đối phó với tình trạng đơn giá vận tải 2 chiều tăng cao. Công ty TNHH Vina Thanh Hóa có trụ sở chính tại TP Thanh Hóa và 5 hệ thống nhà máy may tại Yên Định, Triệu Sơn, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, với khoảng 500 công nhân. Ông Lê Đình Linh, đại diện công ty cho biết: Hiện nay, với tác động do giá xăng dầu tăng cao, cước vận tải hàng hóa đã tăng khoảng 20% so với năm 2021, làm giảm lợi nhuận đối với DN. Trong bối cảnh đó, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều DN mới gia nhập ngành may mặc, khiến tình trạng cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt. Để giữ ổn định công suất, đáp ứng sản lượng, tiến độ giao hàng cho đối tác, DN không ngừng đưa ra những chính sách đãi ngộ cho người lao động... Đây cũng là một trong những khó khăn đối với DN trong bối cảnh “hồi sức” sản xuất.

Theo đánh giá từ ngành công thương, 5 tháng đầu năm, sản xuất may mặc, da giày đang đạt được những bước phát triển khá, là một trong những ngành công nghiệp chủ lực đóng góp cao cho tăng trưởng công nghiệp. Điển hình như 5 tháng đầu năm, ngành may mặc tăng trưởng 38%, da giày 37%. Ngoài nỗ lực của các DN trong chủ động khắc phục khó khăn, hiện ngành công thương đang tiếp tục nắm bắt khó khăn, kiến nghị các giải pháp phù hợp; đồng thời, hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối cung cầu. Đặc biệt, sẽ tận dụng có hiệu quả những lợi thế, các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia, tăng cường việc mở rộng các thị trường mới để giúp DN tránh phụ thuộc vào một thị trường xuất và nhập khẩu.

Tùng Lâm

http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-may-mac-da-giay-chu-dong-nbsp-khac-phuc-kho-khan-trong-boi-canh-moi/160611.htm

baothanhhoa