CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
Dệt may Việt Nam hướng tới tái chế và giảm thải để đáp ứng thị trường lớn

01-06-2022

Nhằm chấm dứt mô hình kinh doanh công nghệ và thời trang với các sản phẩm có vòng đời ngắn ở châu Âu, Uỷ ban châu Âu (EC) đã có đề xuất về quy định sinh thái của Liên minh châu Âu để áp dụng cho các sản phẩm liên quan đến năng lượng và mở rộng sang hàng điện tử, dệt may, đồ nội thất, đệm và lốp xe...

Theo đó, quy định mới yêu cầu hàng dệt may vào thị trường châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Để đạt được tiêu chuẩn này, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường. Đồng thời, nếu hàng dệt may không còn sử dụng được, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu hồi và tái chế, hạn chế tối đa việc đốt và chôn lấp các sản phẩm.

Tất cả những thông tin trên phải được nhà sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng thông qua việc gắn hộ chiếu kỹ thuật số cho từng sản phẩm. Ngoài ra, quy định sinh thái của Liên minh châu Âu cũng kêu gọi các công ty thời trang giảm số lượng bộ sưu tập mỗi năm.

Với đề xuất này, các tiêu chuẩn sinh thái áp dụng cho nhiều loại hàng hoá đặc biệt là hàng dệt may đã phản ánh phần nào xu thế tiêu dùng xanh của thị trường châu Âu nói chung. Đặc biệt, các hãng thời trang, những doanh nghiệp may mặc làm ăn ở thị trường châu Âu, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, cần sớm cập nhật. Với quy định này của EC, ngành dệt may Việt Nam phải thay đổi để đáp ứng quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại EU.

Dệt may là ngành có tác động lớn thứ tư đến môi trường và biến đổi khí hậu. Do đó, chiến lược mới sẽ đảm bảo hàng dệt may được sản xuất bền hơn, có thể sửa chữa, tái sử dụng và tái chế, nhằm giải quyết nhanh chất thải thời trang và dệt may.

Các sản phẩm dệt may phải được làm từ càng nhiều sợi tái chế càng tốt, không chứa chất độc hại và tôn trọng đầy đủ các quyền xã hội, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ hàng dệt may chất lượng cao bền hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Ðức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đang phải tuân thủ yêu cầu liên quan “xanh hóa” trong sản xuất

Dệt may Việt Nam hướng tới tái chế và giảm thải để đáp ứng thị trường lớn ảnh 1

Hiện nay, trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường châu Âu, đa số doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải…

Ông Giang cũng nhấn mạnh, “xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt là EU, vốn là thị trường nhập khẩu khoảng 4,5 tỷ USD hàng hóa dệt may từ Việt Nam (năm cao điểm nhất).

Mục tiêu giảm thải năng lượng tiêu thụ cho các sản phẩm dệt may

Không chỉ thị trường châu Âu, nhiều thị trường xuất khẩu lớn khác của dệt may Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, hay Hàn Quốc cũng đều đã có những quy định liên quan đến quy trình sản xuất phải thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn liên quan đến sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nguồn nước, hay xử lý nước thải.

Do đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay đang nỗ lực thay đổi, hướng tới "xanh hoá" sản xuất để đáp ứng yêu cầu và duy trì đơn hàng vào các thị trường lớn. Các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới - những đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam, cũng có xu hướng chuyển sang ưu tiên đặt hàng từ các nhà sản xuất "xanh", đáp ứng điều kiện về môi trường. Vì vậy, áp lực cũng như thách thức đặt ra cho doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Việt Nam là không nhỏ.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), mục tiêu đến năm 2023, các doanh nghiệp dệt may là thành viên Ủy ban Bền vững của VITAS sẽ giảm được 15% lượng tiêu thụ năng lượng và 20% tiêu thụ nước. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh, khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện các doanh nghiệp đều ý thức được việc này. Các doanh nghiệp cũng phải bỏ chi phí để đầu tư để đáp ứng yêu cầu "xanh hoá" dệt may như đầu tư điện áp mái, đầu tư hệ thống để tiết kiệm nước hoặc tái sử dụng nước trong các nhà máy. Đặc biệt, với những nhà sản xuất làm đồ jean hoặc nhà dệt nhuộm, họ sẽ phải đảm bảo hoá chất sử dụng an toàn, phải có quy trình xử lý nước thải, tiết kiệm nước tối đa các công nghệ dệt nhuộm, thậm chí không sử dụng nước.

"Chúng tôi đang khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đầu tư các thiết bị, công nghệ cũng như mặt bằng, nhà xưởng để đảm bảo thích ứng được các yêu cầu, đòi hỏi về vấn đề đảm bảo Luật Môi trường và tiết kiệm năng lượng, nguồn nước của các tổ chức quốc tế đặt ra; hay xây dựng chương trình phát triển, kêu gọi đầu tư vào năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo", ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.

Dệt may Việt Nam hướng tới tái chế và giảm thải để đáp ứng thị trường lớn ảnh 2

Thu Trang

https://mekongasean.vn/det-may-viet-nam-huong-toi-tai-che-va-giam-thai-de-dap-ung-thi-truong-lon-post6913.html

mekongasean