CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
Định nghĩa lại vẻ đẹp thời trang

30-05-2022

Cam kết cho thời trang tương lai

Luôn đổi mới, sáng tạo, thời trang bứt khỏi mọi giới hạn. Song, từ sự tàn phá nặng nề mà ngành thời trang mang đến cho môi trường, việc phát huy tối đa tính bền vững để nó có thể mang dáng dấp của lối sống đẹp và tích cực đang ngày càng được coi trọng. Bởi vậy, “thời trang” và “bền vững” - 2 phạm trù tưởng chừng khó dung hòa nay lại đứng cạnh nhau và trở thành xu hướng. “Thời trang bền vững” ra đời như một lời cam kết cho ngành thời trang tương lai, biến nó thành một ngành công nghiệp xanh và thân thiện với Trái đất. 

Chúng ta đã và đang bước trên hành trình thời trang bền vững. Tại tọa đàm “Thời trang bền vững - Nên bắt đầu từ đâu?” do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, Đại sứ Italy Antonio Alessandro cho biết, hiện nay trên thế giới có khoảng 20% vật liệu và hoạt động của các nhà máy dệt may được cải tiến nhằm giảm bớt ô nhiễm môi trường từ hoạt động dệt và nhuộm. Càng ngày mọi người càng muốn chuyển sang vật liệu có tính hữu cơ, thân thiện với môi trường hơn.

Khái niệm "bền vững" không chỉ bao gồm việc dùng nguyên vật liệu nào may, nhuộm quần áo, mà cả những bước trước đó của chuỗi cung ứng, từ trồng bông hữu cơ để làm vật liệu may mặc, hay sử dụng chất liệu tái chế, tới quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển cũng đều hướng tới thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với người lao động. 

Tháng 3 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã đưa ra Chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may, trong đó có nhiều mục tiêu, chỉ tiêu khác nhau cho thời trang châu Âu, liên quan đến cả việc nhập khẩu nguyên liệu, sản phẩm may mặc từ các quốc gia khác vào châu Âu. 

Thời trang bền vững dựa trên sự ủng hộ của người tiêu dùng và đó là xu hướng quan trọng. Không ít người có xu hướng chuyển qua sử dụng những loại vải thân thiện hơn, như lanh, tơ sen, sợi chuối... Những bộ quần áo làm từ vật liệu tự nhiên, vật liệu tái chế, giảm bớt sử dụng hóa chất được người tiêu dùng đánh giá cao. “Sự chuyển đổi trong ngành thời trang hướng tới bền vững hơn do người tiêu dùng dẫn dắt. Người tiêu dùng hiện nay có yêu cầu về tính bền vững, và đó là giá trị tinh thần họ đề cao, từ đó ngành dệt may phải thân thiện với môi trường hơn” - Đại sứ Antonio Alessandro nói.

Những thiết kế cao cấp từ vật liệu tái chế của Võ Công Khanh - Ảnh: Vietnam+

Những thiết kế cao cấp từ vật liệu tái chế của Võ Công Khanh
Nguồn: Vietnam+

Lan tỏa thông điệp xanh

Trên thế giới, ngày càng nhiều nhà thiết kế, đơn vị sản xuất thời trang tìm kiếm các giải pháp thân thiện với môi trường và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Trong một tuần lễ thời trang quốc tế mới đây, lần đầu tiên những sợi vải bền vững tái tạo từ những chất liệu tưởng như bỏ đi như bã cà phê, vỏ hàu, thân và lá sen, chai nhựa PET... được bay bổng, thăng hoa trong bộ sưu tập của các nhà thiết kế Việt Nam. Ngoài định nghĩa lại vẻ đẹp của thời trang, sự xuất hiện của các bộ sưu tập này cũng truyền tải thông điệp tích cực, lan tỏa lối sống xanh, hồi sinh những “phế liệu” bằng cách tạo diện mạo mới cho chúng.

Chị Hà Đỗ - Giám đốc sáng tạo Tạp chí Đẹp nhận định: Thời trang bền vững đã tạo động lực cho các nhà thiết kế huy động sự sáng tạo, trí tưởng tượng của mình để sử dụng tốt hơn vật liệu tái chế. Hiện nay, một số nhà thiết kế ở Việt Nam cũng tạo ra nhiều chất liệu cao cấp làm từ nguyên liệu thiên nhiên, vật liệu địa phương; có các thương hiệu thời trang tái chế từ quần áo cũ...

Tuy nhiên, phát triển thời trang bền vững không chỉ từ nỗ lực của các nhà thiết kế, nhà sản xuất, mà còn có vai trò lớn của người tiêu dùng. Theo chị Hà Đỗ, không sai khi đi theo xu hướng thời trang mới nhất, nhưng chúng ta cũng nên nhận thức rõ hơn về nhãn thời trang mình lựa chọn, cách họ làm ra sản phẩm. Bên cạnh đó, nếu mua và thay đổi đồ mặc liên tục, nhiều quần áo càng được sản xuất hơn, khí carbon phát thải nhiều hơn, rác thời trang gây ô nhiễm môi trường... Bởi vậy, chọn trang phục có chất lượng tốt, phù hợp với bản thân và có thể sử dụng nhiều lần; phối trang phục, phụ kiện để tạo sự mới mẻ cũng là hành động thể hiện trách nhiệm với môi trường.

“Mọi người thường nghĩ rằng lối sống bền vững, tránh lãng phí rất khó áp dụng với thời trang, hay làm đẹp. Vì đó là ngành có tính chất đặc thù theo xu hướng, sáng tạo với tính chất đổi mới liên tục. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, bất cứ lĩnh vực gì chúng ta đều có thể hướng tới lối sống bền vững từ những thay đổi về tư duy, cách nhìn nhận về môi trường xung quanh, từ đó có thể thay đổi hành động, dù chỉ là hành động rất nhỏ” - H'Hen Niê, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, người có sức ảnh hưởng đến giới trẻ với lối sống xanh chia sẻ. H'Hen Niê cũng cho biết, dù công việc phải xuất hiện nhiều trước truyền thông, nhưng cô hạn chế mua nhiều quần áo, cố gắng mặc lại đồ, tận dụng trang phục nhiều nhất có thể. Cô cũng thích biến tấu để tránh cảm giác nhàm chán khi mặc lại đồ cũ...

Thời trang bền vững là xu hướng tất yếu của tương lai. Tuy nhiên, đó không phải đích đến mà là một hành trình dài bền bỉ. Trên hành trình ấy, các thương hiệu, doanh nghiệp thời trang và cả người tiêu dùng đều cần liên tục học hỏi, thay đổi để trở nên thân thiện với môi trường.

Ngọc Phương
https://daibieunhandan.vn/van-hoa/dinh-nghia-lai-ve-dep-thoi-trang-i290715/
daibieunhandan