CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
Xuất khẩu tăng mạnh, dệt may vẫn đối mặt với nhiều thách thức

18-04-2022

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt tới 8,68 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng tăng 1,46 tỷ USD. Đây là mức tăng so với cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Đặc biệt, riêng trong tháng 3 đã đạt kim ngạch 3,05 tỷ USD, tăng 48,3%, tương ứng tăng hơn 1 tỷ USD so với tháng 2.

Ngành dệt may kỳ vọng hoàn toàn có thể đạt, thậm chí là vượt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay (Ảnh: Int)

Trong quý I, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 4,36 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 50,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may. Tiếp đến là thị trường EU với 896 triệu USD, tăng 31,4%; Nhật Bản với 771 triệu USD, giảm 2,9%; Hàn Quốc với 754 triệu USD, tăng 6,9%...

Một số doanh nghiệp dệt may lớn như Vinatex, May 10, Dệt may Thành Công… đã kín đơn hàng cho đến hết quý II, thậm chí là quý III năm nay. Ngành dệt may kỳ vọng hoàn toàn có thể đạt, thậm chí là vượt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong năm 2022 cũng như những năm tới, ngành dệt may vẫn còn nhiều thách thức không nhỏ: Chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ; mất cân đối lao động, doanh nghiệp khu vực phía Nam vẫn thiếu lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành...

Theo tính toán của một số doanh nghiệp, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, doanh nghiệp tính toán giá năm nay có thể tăng thêm 5-8% so với năm ngoái.

Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý III/2022 nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ thế nào sau đó vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch. Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia, dù thị trường dệt may khởi sắc nhưng nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như: Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp thất thu về kim ngạch trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường này: yêu cầu hàng dệt may phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Để đạt được tiêu chuẩn đó, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường... Đa số doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải.

Đáng chú ý, theo ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), ngành dệt may cần có nhìn khách quan trong bước chuyển từ nền sản xuất gia công sang xuất khẩu hàng made in Vietnam để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Đức Nguyễn

https://baomoi.com/xuat-khau-tang-manh-det-may-van-doi-mat-voi-nhieu-thach-thuc/c/42344318.epi

baomoi