CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
Nỗ lực đẩy mạnh sản xuất

01-03-2022

(HNM) - Tiếp đà hồi phục cuối năm 2021, những tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tiếp tục duy trì không khí sản xuất sôi nổi, mặc dù tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tất cả đều nỗ lực cao nhất nhằm hoàn thành các mục tiêu sản xuất, kinh doanh. Điều này cũng cho thấy hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh của Chính phủ, các cấp, ngành.

Những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, các cấp, ngành giúp các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô và cả nước từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Viết Thành

Quyết tâm từ đầu năm

Chị Lương Thị Cúc, Tổ trưởng Tổ sợi con, Nhà máy 1, Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3 cho biết, ngay sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tất cả công nhân đều đã quay trở lại làm việc. Mặc dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề nhưng Ban lãnh đạo công ty vẫn bảo đảm thu nhập, việc làm cho người lao động. Vì vậy, người lao động phấn khởi, tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trong năm mới 2022. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3 Phạm Văn Tuyên, nhờ các giải pháp linh hoạt thích ứng, chuyển đổi sản xuất nên doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận khá và có tích lũy để triển khai các kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất trong giai đoạn tới.

Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt cho biết, Tổng công ty đã có đơn hàng đến hết quý II-2022, trong đó có những mặt hàng có đơn hàng cả năm. Đây là yếu tố thuận lợi để hơn 7.000 lao động phát huy năng suất, khả năng sáng tạo, cũng như bảo đảm việc làm, thu nhập. Đơn vị đã đầu tư thêm 3 nhà máy ở Hưng Hà (tỉnh Thái Bình), Hà Quảng (tỉnh Quảng Bình) và Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) nhằm mở rộng quy mô sản xuất, từng bước hoàn thành mục tiêu phát triển giai đoạn 2022-2025.

Ở khối sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, không khí lao động sôi nổi cũng diễn ra rộng khắp. Cộng đồng doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm khách hàng, lấy lại thị trường xuất khẩu. Tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, anh Triệu Minh Vương, công nhân Xưởng LED điện tử tự động và thiết bị chiếu sáng nói: “Khi công ty phát động phong trào “Ngày hội sáng tạo lần thứ 5”, người lao động tích cực hưởng ứng, mỗi người phấn đấu đóng góp một sáng kiến, góp phần tạo ra những sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao. Với mục tiêu tăng trưởng doanh thu 38%, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đang tác động nặng nề đòi hỏi người lao động phải cố gắng và cách thiết thực nhất là nâng cao năng suất lao động, giảm tiêu hao trong sản xuất”.

Còn tại Công ty cổ phần Dây và cáp điện Thượng Đình (CADI-SUN), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Phạm Lương Hòa cho hay, năm 2021, doanh thu của đơn vị tăng trưởng gần 30% so với năm 2020. Và trong năm 2022, đơn vị đặt kế hoạch doanh thu tăng 10%. Hiện nay, tất cả dây chuyền sản xuất của đơn vị đang vận hành hết công suất cho mục tiêu này.

Sản xuất tại Công ty cổ phần Dây và cáp điện Thượng Đình (CADI-SUN).

Đề ra nhiều giải pháp

Sau khi chuyển sang mục tiêu "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", cộng với các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và các cấp, ngành, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã có dấu hiệu khởi sắc. 

Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, hầu hết các doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất từ cuối năm 2021 và đà phục hồi tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2022. Các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, song việc kiên định chính sách phục hồi kinh tế - xã hội, từng bước "mở cửa" an toàn đã giúp doanh nghiệp không bị lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Còn theo Cục Thống kê Hà Nội, tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp Hà Nội tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 4,3%. Một số ngành sản xuất chế biến, chế tạo có chỉ số khối lượng sản phẩm công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 49,7%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,9%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 11,3%... 

Về phía doanh nghiệp, các giải pháp thích ứng linh hoạt, tận dụng cơ hội phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh cũng được triển khai nhanh chóng. Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng, năm 2022 được kỳ vọng là năm bước ngoặt cho sự phát triển đột phá của Rạng Đông. Với mục tiêu trở thành doanh nghiệp "tỷ đô" vào năm 2030, thu nhập của người lao động bình quân 2.000 USD/người vào năm 2025, công ty sẽ mở rộng không gian phát triển, đẩy mạnh chuyển đổi số và khai thác kinh tế số. Trong ngắn hạn, đơn vị sẽ làm mới mô hình kinh doanh truyền thống, đưa kinh doanh trực tuyến vào mô hình kinh doanh trực tiếp, đồng thời thực hiện chiến lược xuất khẩu chủ động để thích ứng nhanh với thay đổi của thị trường.

Với ngành Dệt may, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, giải pháp chính là đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư cho tự động hóa và mô hình sản xuất xanh; tiếp tục tăng năng lực cung ứng cho ngành hàng dệt kim để đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất thế giới... "Điều quan trọng đối với doanh nghiệp là sự ổn định kinh tế vĩ mô; lãi suất, tỷ giá phù hợp cho thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần sớm có hướng dẫn gói hỗ trợ kinh tế để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi nhanh; đồng thời tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, nhất là thủ tục xuất khẩu…", ông Lê Tiến Trường nêu.

TRUNG HIẾU

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1025843/no-luc-day-manh-san-xuat#

hanoimoi