CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
Việt Nam sẽ là điểm đến của chuỗi dệt may thế giới

11-04-2014

Ngày 3-4, đã diễn ra Hội thảo xúc tiến, giới thiệu công nghệ và dịch vụ dành cho ngành dệt và vải kỹ thuật của doanh nghiệp Pháp tại thị trường Việt Nam do Cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp phát triển trên thị trường quốc tế (UBIFRANCE) và Liên minh các nhà chế tạo thiết bị ngành dệt của Pháp (UCMTF), VCOSA và VITAS phối hợp tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của 7 doanh nghiệp Pháp chuyên lĩnh vực sản xuất máy móc, công nghệ dệt và kỹ thuật hàng đầu của Pháp và thế giới, cùng sự tham dự của khoảng 100 doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Các công ty sản xuất thiết bị dệt may của Pháp rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các công ty dệt may Việt Nam vì lợi ích chung. Bà Evelyne Cholet, Tổng Thư ký Hiệp hội các công ty chế tạo máy dệt (UCMTF) đã đưa ra nhận định trên tại Hội thảo Việt - Pháp về các công nghệ mới dành cho ngành dệt và ngành vải kỹ thuật được tổ chức ngày 3/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh. UCMTF mong muốn có cơ hội giới thiệu đến doanh nghiệp Việt Nam những công nghệ dệt may mới nhất của Pháp. Các công ty của Pháp sẽ là những đối tác tin cậy và sẵn sàng giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng những lợi thế do toàn cầu hóa ngành dệt may mang lại.

 

 

Trong bối cảnh thị trường thế giới cạnh tranh ngày càng gay gắt, các công ty Pháp vẫn khẳng định được năng lực cạnh tranh và chiếm giữ vị trí quan trọng trên thị trường là nhờ vào nhiều yếu tố như sáng tạo đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm thiết bị, dịch vụ; đồng thời đây cũng là những yếu tố đảm bảo uy tín cho công ty Pháp trên thị trường quốc tế và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Pháp hiện là nước đứng thứ 3 trong EU, đứng thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu thiết bị ngành dệt với kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD/năm, sản phẩm xuất khẩu đến hơn 115 quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Thời gian vừa qua, ngành này không ngừng phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới. Bên cạnh đó, hiện tại các vòng đàm phán đa phương, song phương trong những hiệp định thương mại, Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dệt may phát triển mở rộng thị trường. Chính phủ cũng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh đầu tư đối với khâu dệt, nhuộm, kỹ thuật chuyên dụng… Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt-Pháp cần tận dụng tốt các cơ hội trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ để mở ra những mối quan hệ hợp tác góp phần tăng giá trị gia tăng cho ngành dệt may Việt Nam, thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.
Việt Nam không chỉ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là cửa ngõ để nhiều doanh nghiệp mở rộng thị trường tại khu vực ASEAN. Trong 10 năm gần đây, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ngành dệt may đạt bình quân từ 10-15% và chiếm khoảng 10% GDP cả nước. Riêng quý 1/2014, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn hơn 4,5 tỷ USD, tăng 20% so vối cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang tham gia đàm phán TPP và các hiệp định thương mại với EU, với liên minh thuế quan 3 nước Nga, Belarus, Kazakhstan… thuế suất hàng dệt may Việt Nam vào nhiều thị trường tiêu thụ quan trọng sẽ được cắt giảm xuống còn 0%. Do vậy, sẽ có một sự bùng nổ trong xuất khẩu dệt may và Việt Nam sẽ là điểm đến của chuỗi dệt may thế giới trong thời gian tới; sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào khâu sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất của chuỗi sản xuất dệt may.

Vinatex