CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
Để thành công trong hội nhập

07-04-2015

Với việc Chính phủ đang đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), ngành Dệt May Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi hội nhập sâu vào thị trường thế giới. Không có một công thức chung nào nhưng các doanh nghiệp đều có thể thành công nếu hiểu và khai thác hết các mặt của “hội nhập”. Đó là ý kiến của ông Trần Việt – Người phát ngôn, Trưởng ban Tổng hợp – Pháp chế Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Ông Trần Việt trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Invest TV về cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong hội nhập

FTA mang lại cho chúng ta những gì?
Lợi ích đầu tiên và lớn nhất của các FTA chính là cắt giảm thuế, các nhà xuất khẩu Việt Nam có cơ hội tăng lợi nhuận biên. Khách hàng của dệt may Việt Nam cũng được lợi nên quy mô đặt hàng dự kiến tăng mạnh, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu tăng.
Điều này đã được thể hiện rõ trong quá trình hội nhập của ngành Dệt May Việt Nam. Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hoa Kỳ được ký kết năm 2001, xuất khẩu dệt may của Việt Nam lúc đó khoảng 2 tỷ USD, sau đó mỗi năm tăng khoảng gần 1 tỷ đô và đến năm 2006 kim ngạch đạt 6,5 tỷ USD. Khi Việt Nam ra nhập WTO năm 2007 cùng với nhiều FTA có hiệu lực như FTA Nhật Bản – Asean, Nhật Bản – Việt Nam,  Asean – Hàn Quốc…., mỗi năm KNXK dệt may của Việt Nam tăng trưởng trên dưới 2 tỷ USD kể cả trong giai đoạn kinh tế thế giới suy thoái. Như vậy trong 8 năm từ 2006 đến 2014, KNXK dệt may đã tăng từ 6,5 tỷ lên 24,5 tỷ USD. Chính phủ và ngành kỳ vọng với những Hiệp định đang đàm phán như TPP, FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay.
Lợi ích tiếp theo đến từ quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do. Quy tắc này khuyến khích sử dụng nguyên liệu nội khối để đảm bảo lợi ích của các bên tham gia. Điều này khiến Việt Nam vốn là quốc gia có thể mạnh về xuất khẩu hàng may mặc đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trong nước cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nguyên liệu: sợi – dệt – nhuộm. Trong năm 2014, FDI vào lĩnh vực dệt may là 11 dự án sợi, 14 dự án  dệt nhuộm, 58 dự án may, tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,64 tỷ USD, bằng 6 năm trước đó gộp lại.
Các quy tắc xuất xứ còn là động lực để doanh nghiệp dệt may Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng các lợi ích mà FTA mang lại. Cụ thể, doanh nghiệp phải chuyển đổi dần từ gia công sang FOB, ODM, nâng cao năng lực quản trị chuỗi cung ứng, quản trị sản xuất và quản trị nhân lực.
Như vậy cắt giảm thuế, tăng quy mô xuất khẩu, thu hút đầu tư hoàn thiện chuỗi cung ứng, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và đưa ngành dệt may Việt Nam dịch chuyển lên phía trên của chuỗi cung ứng toàn cầu là những lợi ích trực tiếp và cụ thể nhất mà các Hiệp định tự do mang lại cho ngành dệt may Việt Nam.

Doanh nghiệp cần chủ động trong hội nhập
Khi đàm phán bất kỳ một Hiệp định thương mại tự do nào, Chính phủ đều quan tâm đến lộ trình cắt giảm thuế, danh mục hàng hóa thuộc diện cắt giảm, sự tuân thủ về quy định xuất xứ và đặc biệt là sự phân chia lợi ích phù hợp cho nhiều đối tượng doanh nghiệp khác nhau.
Về phía doanh nghiệp cũng cần chủ động để đón lấy những cơ hội mà các FTA nói riêng và hội nhập nói chung mang lại. Theo ông Trần Việt, không có một công thức chung nào nhưng các doanh nghiệp đều có cơ hội thành công khi các Hiệp định có hiệu lực nếu họ biết khai thác hết các mặt của hội nhập. Doanh nghiệp cần biết họ đang đứng ở đâu và đích đến sẽ là gì. Doanh nghiệp cũng phải lường trước những thách thức có thể gặp phải trong quá trình hội nhập  từ đó đề ra hướng đi phù hợp để đạt được lợi ích cao nhất. Theo ý kiến của ông Việt, doanh nghiệp nên hội nhập về chiến lược phát triển, hội nhập khoa học công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và hội nhập về nhân lực.

Không đợi đến khi các Hiệp định thương mại được đàm phán, từ nhiều năm nay Tập đoàn Dệt May Việt Nam và các đơn vị thành viên đã chủ động đầu tư vào nguyên phụ liệu, chuyển dịch dần từ may gia công sang các hình thức mang lại giá trị gia tăng cao hơn là FOB và ODM. Tỉ lệ nội địa (hàm lượng giá trị giữ lại Việt Nam) từ 20% của 10 năm trước đã tăng lên hơn 50% trong những năm gần đây.
Năm 2014, Tập đoàn cũng đã thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hóa, thay đổi mô hình hoạt động, tập trung nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, định hướng quá trình chuyển dịch hình thức sản xuất sáng FOB, ODM, mang lại sự phát triển bền vững cho Tập đoàn và ngành dệt may Việt Nam.  

vinatex