10-07-2014
Ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua 5 năm triển khai đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các doanh nghiệp, ban ngành, đoàn thể… và đông đảo người tiêu dùng.
Cuộc vận động đã thực sự làm thay đổi cách nghĩ của nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối cũng như người tiêu dùng, khơi dậy được ý thức tự cường, lòng tự hào dân tộc, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất ra hàng Việt Nam có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng trong nước. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các đơn vị thành viên đã không ngừng nỗ lực để góp phần đưa sản phẩm dệt may Việt Nam đến mọi miền đất nước với chủng loại đa dạng cho mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp.
Doanh thu nội địa trong 6 tháng đầu năm 2014 của Vinatex ước đạt 11.086 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2013
Nỗ lực phát triển
Ông Dũng cho biết, phát triển thị trường nội địa tiếp tục là chiến lược quan trọng của Vinatex. Các doanh nghiệp tập đoàn thường xuyên thay đổi cách thức kinh doanh để phù hợp với thị trường, nỗ lực đầu tư sản xuất, chú trọng đổi mới mẫu mã sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu; đồng thời mở rộng kênh phân phối để chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Kết quả thu được sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổng doanh thu nội địa của Tập đoàn tăng dần từ 2010 đạt 15.740 tỷ đồng, năm 2011 đạt 18.518 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2010. Đến năm 2012 đạt 19.700 tỷ đồng, tăng 6,4% so với 2011. Năm 2013 đạt 20.800 tỷ đồng, tăng 6% so với 2012.
Doanh thu nội địa trong 6 tháng đầu năm 2014 của Vinatex ước đạt 11.086 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2013. Trong cả năm 2014, doanh thu nội địa Tập đoàn ước tăng 6,3% so với năm 2-13, đạt 22.200 tỷ đồng.
Bên cạnh việc mang tới các sản phẩm chất lượng cao, Vinatex còn không ngừng mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm trên toàn quốc. Năm 2013, tổng số cửa hàng, đại lý trên toàn quốc của các đơn vị thành viên Vinatex đạt 4.125, tăng 4% so với 2012 và dự kiến sẽ tăng 3,9% đạt tổng số 4.286 trong năm 2014.
Tạo mối liên kết bền vững
Theo ông Hoàng Vệ Dũng, năm 2011, Vinatex đã hợp tác cùng Tập đoàn Dầu khí trong dự án Nhà máy xơ Sợi Polyester Đình Vũ (Hải Phòng). Nhà máy đã được đưa vào khai thác từ cuối năm 2011, dự kiến sẽ đáp ứng 40% nhu cầu xơ sợ của cả nước, góp phần giảm lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các đơn vị thành viên cũng đã đẩy mạnh sử dụng than được cung cấp bởi Tập đoàn Than – Khoáng sản cho các lò đốt trong dây chuyền nhuộm – hoàn tất.
Ngoài việc đẩy mạnh triển khai hợp tác trong khuôn khổ 7 biên bản ghi nhớ đã ký kết từ năm 2012 về việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm của nhau với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, tháng 11/2013, Vinatex đã tiếp tục ký Thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
Các đơn vị thành viên trong Tập đoàn Vinatex như Tổng Công ty Đức Giang, Tổng Công ty CP May Việt TIến, Tổng Công ty Nhà Bè… đã triển khai cung cấp đồng phục cho các ngành y tế, giáo dục, ngân hàng, giao thông, xây dựng… cho các đơn vị như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam… Tất cả các sản phẩm cung ứng cho các đơn vị này đều sử dụng khoảng 80% nguyên liệu vải và phụ kiện trong nước.
Kết quả Vinatex đạt được trong những năm qua tuy còn khiêm tốn, song với thế mạnh là khả năng cung ứng của chuỗi khép kín từ bông, xơ, sợ, vải, quần áo đến thương mại dịch vụ, Tập đoàn Vinatex đang cùng với Việt Tiến, May 10, Đức Giang, Việt Thắng, Dệt May Nam Định… tạo mối liên kết bền vững để đáp ứng nhu cầu thị trường trong lĩnh vực này, đồng thời mở hướng đi mới cho ngành dệt may trên thị trường nội địa.