13-11-2024
Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường lớn như EU và Hoa Kỳ, đồng thời học hỏi từ kinh nghiệm của Bangladesh trong việc chuyển đổi xanh, đầu tư vào công nghệ sạch, quản lý chuỗi cung ứng bền vững, và phát triển nhà máy xanh để nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất và có tác động môi trường mạnh mẽ nhất trên toàn cầu, chỉ sau các ngành thực phẩm, xây dựng và vận tải. Để tạo ra một sản phẩm may mặc, chuỗi cung ứng phải trải qua nhiều bước phức tạp từ khai thác nguyên liệu thô, sản xuất sợi đến thành phẩm. Quá trình này tạo ra lượng lớn khí thải, chất thải và tiêu thụ nguồn nước cùng các tài nguyên khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và gây ra thách thức đáng kể về tính bền vững.
Ngành dệt may và giày dép toàn cầu phát thải khoảng 3,9 tỷ tấn CO₂ tương đương mỗi năm, chiếm từ 8% đến 10% tổng lượng khí thải CO₂ toàn cầu. Lượng phát thải này tiếp tục gia tăng khi sản lượng toàn cầu từ năm 2000 đến năm 2015 đã tăng gấp đôi lên khoảng 100 tỷ sản phẩm mỗi năm, và dự báo sẽ tăng thêm 63% đạt 154 triệu tấn vào năm 2030.
Điều này tạo áp lực ngày càng lớn lên môi trường do quá trình sản xuất tiêu thụ năng lượng rất lớn và thải ra lượng khí nhà kính đáng kể. Các nhà máy sản xuất dệt may, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh, thường phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng từ than đá và khí đốt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các quốc gia này vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch hơn.
Ngoài ra, ngành dệt may tiêu thụ lượng nước khá lớn với khoảng 93 tỷ mét khối mỗi năm, đủ để cung cấp nước cho 5 triệu người. Lượng nước tiêu thụ này chiếm khoảng 4% tổng lượng nước ngọt khai thác trên toàn thế giới.
Nghiên cứu cho thấy, để sản xuất một chiếc áo phông cotton, cần đến 2.700 lít nước, tương đương nhu cầu uống của một người trong 2,5 năm. Quá trình sản xuất sợi và hoàn thiện vải thường sử dụng thuốc nhuộm và các hóa chất xử lý, ước tính gây ra 20% tổng ô nhiễm nước sạch trên thế giới.
Ước tính mỗi năm, ngành công nghiệp thời trang thải ra khoảng 92 triệu tấn chất thải dệt may, trong đó 87% sợi vải được đốt hoặc chôn lấp, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (1%) được tái chế thành quần áo mới.
Sợi vải dùng để sản xuất quần áo có 68% nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, làm gia tăng mức độ cạn kiệt các nguồn tài nguyên không tái tạo và làm gia tăng phát thải CO₂ vào khí quyển.
Các sản phẩm dệt may tiêu thụ trong EU tạo ra 121 triệu tấn khí thải nhà kính, tương đương 270 kg CO₂ mỗi người.
Xu hướng chuyển đổi sang dệt may xanh đang ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh người tiêu dùng toàn cầu quan tâm hơn đến các sản phẩm thân thiện môi trường và bền vững. Ngành dệt may đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là sự tăng trưởng của dòng sản phẩm dệt may xanh, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường của người tiêu dùng. Điều này đang tạo ra cơ hội xuất khẩu hấp dẫn cho các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam.
Liên minh may mặc bền vững (SAC) đã đặt mục tiêu giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 để giúp hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5° C (2,7° F). Những thị trường lớn như Liên minh Châu Âu (EU) và Hoa Kỳ có nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng dệt may xanh, là đích đến triển vọng cho các sản phẩm dệt may Việt Nam.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nắm vững và tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và chất lượng sản phẩm của các nước nhập khẩu. Những tiêu chuẩn này được thiết lập nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, an toàn lao động và bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao về tính bền vững, an toàn và chất lượng.
Tại EU, các yêu cầu xuất khẩu hàng dệt may xanh bao gồm Quy định Đăng ký, Đánh giá, Cấp phép và Hạn chế Hóa chất (REACH), buộc các doanh nghiệp đảm bảo rằng hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất không gây hại cho con người và môi trường. Chứng nhận OEKO-TEX được các nhà nhập khẩu đánh giá cao vì cam kết sản phẩm không chứa chất độc hại và được sản xuất thân thiện với môi trường.
Đối với các sản phẩm dệt may chuyên dụng như thiết bị bảo vệ cá nhân, dấu CE là yêu cầu bắt buộc nhằm xác nhận rằng sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn.
Tại Hoa Kỳ, các tiêu chuẩn về hàng dệt may cũng rất khắt khe. Đạo luật Nhận dạng sản phẩm sợi dệt yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải ghi rõ thành phần sợi, quốc gia xuất xứ, và hướng dẫn sử dụng. Các quy định của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) về chống cháy và nhãn hướng dẫn sử dụng cũng là những yêu cầu bắt buộc mà doanh nghiệp cần tuân thủ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và duy trì chất lượng sản phẩm.
Việc xuất khẩu hàng dệt may xanh sang các thị trường như EU và Hoa Kỳ không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân mà còn mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo báo cáo phát triển bền vững toàn cầu của Nielsen năm 2020, hơn 70% người tiêu dùng tại EU và Hoa Kỳ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm bền vững vì lý do bảo vệ môi trường. Hơn thế nữa, các sản phẩm dệt xanh thường có giá trị cao hơn nhờ vào tính bền vững và chất lượng, giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận và nâng cao hình ảnh thương hiệu.
Các chính phủ EU và Hoa Kỳ cũng có những ưu đãi và trợ cấp dành cho các doanh nghiệp dệt may xanh, khuyến khích các công ty đầu tư vào sản xuất bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Việc chuyển đổi sang dệt may xanh đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và an toàn đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm cũng như quá trình chứng nhận, gây áp lực về tài chính.
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường hàng dệt may xanh buộc các doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo và cải tiến sản phẩm để giữ vững vị thế của mình. Quản lý chuỗi cung ứng bền vững và minh bạch cũng là một thách thức đáng kể, nhất là khi mạng lưới cung ứng phức tạp và phân bổ trên nhiều quốc gia, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các giải pháp quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả và cam kết chặt chẽ trong việc giảm thiểu tác động môi trường.
Tại Việt Nam, xu hướng xây dựng nhà máy xanh đã bắt đầu được chú trọng, với 69 nhà máy đạt chuẩn công trình xanh. Tuy nhiên, so với Bangladesh, con số này vẫn còn khá khiêm tốn.
Do đó, để chuyển đổi xanh lĩnh vực dệt may, Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng kinh nghiệm từ Bangladesh trong phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Bangladesh- quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, đã đạt được nhiều tiến bộ trong sản xuất "thân thiện với môi trường". Để giảm thiểu tác động môi trường, Bangladesh đã xây dựng chiến lược giảm phát thải carbon, với mục tiêu cắt giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030, giúp hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5°C.
Từ năm 2009, các doanh nghiệp may mặc Bangladesh đã đi đầu thế giới khi thiết lập 202 nhà máy đạt chứng nhận công trình xanh (LEED) của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC). Các nhà máy này không chỉ tuân thủ tiêu chuẩn môi trường, mà còn tối ưu hóa quy trình sản xuất để tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu lượng khí thải carbon. Tiêu biểu, nhà máy Vintage Denim Studio, được chứng nhận LEED Bạch kim đầu tiên năm 2009, đã giảm 46% chi phí năng lượng, 45% lượng phát thải carbon, và 53% chi phí nước nhờ áp dụng các công nghệ tiên tiến và sử dụng điện năng lượng tái tạo.
Đây là những biện pháp mà Việt Nam có thể nghiên cứu và triển khai. Mặc dù chi phí thiết lập nhà máy xanh tuy cao hơn 25-30% so với nhà máy truyền thống nhưng sẽ mang lại lợi ích dài hạn.
Học hỏi từ Bangladesh, Việt Nam có thể đặt mục tiêu tăng số lượng nhà máy xanh bằng cách thúc đẩy các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất thân thiện với môi trường, đồng thời hỗ trợ tài chính để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Việc áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng như bóng đèn LED, sử dụng tấm pin mặt trời hay cải tiến hệ thống xử lý nước thải sẽ giúp giảm chi phí vận hành và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.
Một yếu tố quan trọng khác mà Việt Nam có thể tiếp thu là quản lý chuỗi cung ứng bền vững và nâng cao tính minh bạch. Các doanh nghiệp Bangladesh đã thực hiện quy trình kiểm toán và tuân thủ chặt chẽ về an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn điện và kết cấu nhằm đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và giảm thiểu lãng phí tài nguyên. Nhờ đó, sản phẩm có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính như EU và Hoa Kỳ, nơi mà các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe.
Nếu Việt Nam áp dụng những chiến lược này, ngành dệt may có thể không chỉ giảm bớt áp lực môi trường mà còn tận dụng cơ hội xuất khẩu vào các thị trường xanh, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia và thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này đòi hỏi tầm nhìn dài hạn và đầu tư mạnh mẽ từ cả doanh nghiệp và nhà nước để biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất dệt may xanh trên thế giới.
Việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, phù hợp với xu thế toàn cầu và đáp ứng kỳ vọng của các đối tác quốc tế trong việc giảm thiểu tác động lên môi trường.
Nguồn: Tạp Trí Điện Tử
(PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ- Lê Thị Lan )