26-06-2014
Năm 2014 đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử của Vinatex khi tiến hành CPH. Đây là cơ hội để Vinatex thu hút các đối tác trong và ngoài nước đóng góp nguồn lực, công nghệ, quản trị tiên tiến và kinh nghiệm thị trường, tổng hợp sức mạnh, tận dụng tối đa các cơ hội từ Hiệp định TPP và các FTA khác để phát triển bền vững.
Sự chuyển dịch mang lợi thế cho DMVN
Những năm gần đây, nhiều đoàn DN từ Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội xúc tiến đầu tư vào ngành dệt may (DM). Bên cạnh đó, còn có làn sóng các đơn hàng may, nguyên liệu cũng tìm về Việt Nam Đây được xem như là một làn sóng dịch chuyển đầu tư và đơn hàng DM từ các nước, vùng lãnh thổ sang Việt Nam.
Theo đánh giá của các nhà nhập khẩu nước ngoài, Việt Nam là điểm đến để ưu tiên lựa chọn, vì năng suất lao động tại Việt Nam cao hơn các nước Campuchia, Indonesia, Lào. Hơn nữa, Việt Nam vốn đã có “thương hiệu” là nước có khả năng sản xuất hàng dệt may vào loại khó, mang tính kỹ thuật, chất lượng cao.
Lý do “làn sóng” đầu tư và dịch chuyển đơn hàng vào ngành DMVN trong thời gian gần đây là do các nguyên nhân chính: Sự dịch chuyển SX dệt may từ bờ Đông Trung Quốc sang bờ Tây và các nước khác. Trong đó việc dịch chuyển sang bờ Tây sẽ cách trở hơn, và Việt Nam lại là quốc gia có vị trí thuận lợi, đáp ứng điều kiện về đơn hàng, nên sẽ hứng được nhiều đơn hàng hơn trong quá trình dịch chuyển này; Các thị trường DM lớn muốn đa dạng nguồn cung, không muốn chỉ phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất, và Việt Nam lại nổi lên như một quốc gia có lợi thế cạnh tranh ở nguồn lao động dồi dào, chi phí thấp, kỹ năng lao động tương đối cao, Việt Nam còn ở vị trí có cảng biển thuận lợi cho giao thương, và đây cũng là quốc gia được hưởng lợi khi tham gia Hiệp định TPP và các FTA khác. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển đầu tư và đơn hàng DM từ các thị trường giá cao, về các thị trường có giá thấp hơn, có nguồn lao động dồi dào là tất yếu. Trong giai đoạn này, VN là điểm đến thích hợp cho DM, đã được chuẩn bị sẵn sàng về năng lực và quy mô đáp ứng làn sóng dịch chuyển này.
Việc xuất hiện một “làn sóng” đặt hàng và đầu tư mới vào ngành DM đang đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức. Về cơ hội, Việt Nam có thể phát triển ngành nguyên phụ liệu trong nước. Các DN Việt Nam có nhiều đơn hàng để lựa chọn và có quyền chọn những đơn hàng tốt nhất để sản xuất, gia công. Điều này cũng cho thấy chiến lược đầu tư vào SX NPL của Vinatex là hoàn toàn đi đúng hướng và sẽ phát huy hiệu quả nhanh. Vinatex thể hiện vai trò lớn của mình, khi các DN tư nhân chỉ đầu tư vào may và sợi, thì Vinatex đã đầu tư cả chuỗi hoàn chỉnh trong đó có SX vải. Vinatex là DN duy nhất trong nước (không tính DN FDI) đầu tư vào NPL. Với làn sóng dịch chuyển DM vào Việt Nam, Vinatex càng củng cố lợi thế của mình trên thị trường quốc tế và nội địa, tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng hoàn chỉnh Sợi-Dệt-Nhuộm hoàn tất-May, tăng giá trị sản phẩm cốt lõi. Như vậy trong đường dài, Vinatex nói riêng và toàn Ngành DMVN không còn cạnh tranh bằng nguồn lao động giá rẻ, phát triển bền vững kể cả khi có quốc gia DM mới nổi lên có nguồn lao động giá rẻ hơn. Tuy nhiên, DMVN cũng phải vượt qua những thách thức không nhỏ, đó là khả năng liên kết chặt chẽ giữa các DN với nhau để đầu tư mạnh cho chuỗi cung ứng hoàn chỉnh Sợi-Dệt-Nhuộm-May. Điều này không chỉ đòi hỏi về năng lực nguồn vốn lớn, mà còn ở khả năng biết kết nối, vượt qua lợi ích riêng trước mắt để hướng tới lợi ích chung toàn cục và dài hạn. Nếu không làm được điều này, những lợi ích từ các hiệp định TPP, FTA sẽ rơi vào hầu hết các doanh nghiệp FDI, với nguồn lực mạnh, giàu kinh nghiệm hoạt động trong ngành DM, cũng như kinh nghiệm thị trường dày dặn.
Tại sao Dệt May Việt Nam có cơ phát triển lâu dài?
Ngành DMVN muốn giữ vững và phát triển thị trường cần khắc phục được những hạn chế, như: Cải thiện đáng kể tỷ lệ nội địa hóa, ngành dệt may nước ta từ chỗ chỉ có 20 đến 25% nguyên liệu nguồn gốc nội địa vào cuối thế kỷ 20, đến thời điểm hiện nay đã nâng lên 48 - 50%, mỗi năm, chúng ta cải thiện từ 3 đến 5% tỷ lệ nội địa hóa, và đang tiếp tục tiến trình này. Vinatex xác định chiến lược đa dạng hóa thị trường và tập trung gia tăng SX nội địa. Đây là một giải pháp dài hạn, chủ động SX NPL trong nước, tạo giá trị gia tăng cao và đáp ứng điều kiện của Hiệp định TPP và các FTA khác.
Những năm khi bắt đầu hội nhập, DMVN đi từ con số không nên phần trăm tăng trưởng rất cao. Hiện nay tuy phần trăm tăng trưởng không cao như những năm đầu, nhưng tăng trưởng của DMVN vẫn cao hơn các đối thủ cạnh tranh và cao hơn tốc độ nhập khẩu của các thị trường chính. DMVN hiện nay đã ở quy mô phát triển khá lớn, để duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 10%/năm, KNXK mỗi năm phải tăng thêm 2 tỷ USD, tạo thêm khoảng 150 - 200 ngàn việc làm. Năm 2013 DMVN đạt KNXK 20,4 tỷ USD thì phấn đấu năm 2014 là 24,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, DMVN còn dư địa để phát triển. Khi các doanh nghiệp DM có phương án phân bổ năng lực sản xuất phù hợp, đồng thời tiếp tục cắt giảm mọi chi phí tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, thì có thể nâng cao năng suất để giảm giá thành và tăng thu nhập cho người lao động. Các DN cần tích cực chú trọng đến việc cải thiện năng suất lao động, nghiên cứu đầu tư cho mô hình sản xuất hàng FOB, tiến tới ODM, đẩy mạnh mô hình trao đổi liên kết giữa các DN trong Ngành để cùng nhau phát triển mạnh.
Xét về năng suất lao động, ngành Dệt May Việt Nam hiện nay mới chỉ ở mức trung bình khá trong các nước ngành may của thế giới. Như thế nếu đi sâu vào cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất thì DN dệt may vẫn có cơ hội trong việc giảm giá thành và tăng năng lực sản xuất. Nếu trong 10 năm qua DN tăng năng lực sản xuất phần nhiều nhờ đầu tư mở rộng, tức tăng trưởng do đầu tư thì từ đầu năm 2011 trở lại đây mục tiêu của ngành DMVN là chuyển từ tăng trưởng do đầu tư sang tăng trưởng về số lượng nhưng đi lên từ bài toán cải thiện năng suất lao động và nâng cao năng lực SX.
Xét về dài hạn, trong khoảng ba thập kỷ tới, DM vẫn là ngành cốt lõi trong phát triển công nghiệp hóa đất nước. Với 20,4 tỷ USD KNXK DM năm 2013, chiếm khoảng 3% tổng cầu DM thế giới, thì trong chiến lược phát triển trung hạn và dài hạn, DMVN hoàn toàn có thể phát triển năng lực cung ứng lên tới gần 10% tổng cầu thế giới. Bởi khi TPP thực thi, KNXK của DMVN hoàn toàn có thể đạt mức 45 tỷ USD vào năm 2020 và 80 tỷ USD vào năm 2030. Thêm vào đó, Việt Nam có vị trí thuận lợi về cảng biển, thông thương với thế giới dễ dàng, giúp DN VN tiếp cận thị trường nhanh. Việt Nam cũng là một quốc gia đông dân và đang tập trung vào tiến trình công nghiệp hóa nên DM sẽ là ngành công nghiệp còn có tương lai phát triển mạnh và bền.
Cổ phần hóa - con đường tất yếu của Vinatex
Cổ phần hóa là bước phát triển tất yếu trong chiến lược chuyển đổi toàn diện của Tập đoàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh và khả năng khai thác cơ hội kinh doanh, năng lực thích ứng với xu thế phát triển của ngành Dệt May VN trong những thập kỷ tới. Cổ phần hóa làm thay đổi căn bản cấu trúc sở hữu của Tập đoàn từ 100% sở hữu nhà nước sang mô hình Công ty cổ phần. Đây là yếu tố then chốt nhằm thay đổi căn bản cấu trúc quản trị và năng lực quản lý kinh doanh; nâng cao khả năng hấp thụ các mô hình quản trị kinh doanh tiên tiến của thế giới.
Khi CPH xong Vinatex có điều kiện phát triển nguồn nhân lực quản trị trung cao cấp đến từ các đối tác cổ đông chiến lược và cổ đông ngoài, bởi xu thế khi đầu tư vốn các cổ đông luôn muốn theo dõi, tham gia, hỗ trợ quản trị doanh nghiệp đã đầu tư. Đây là một nhân tố rất quan trọng để Vinatex có thêm nguồn lực quản trị và đẩy mạnh đầu tư vì đầu tư là phải tính đến nhân sự quản trị đầu tiên.
Khi xã hội hóa nguồn vốn để phát triển, Tập đoàn sẽ chủ động cải thiện thị trường và làm chủ công nghệ, tính toán bước đi phù hợp cho phát triển từng lĩnh vực Sợi-Dệt-Nhuộm-May… xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện để tăng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận và KNXK, doanh thu nội địa. Cổ phần hóa giúp Vinatex hội tụ các điều kiện cần và đủ để gia tăng năng lực huy động vốn cho toàn hệ thống Tập đoàn, tạo nền tảng cơ bản đổi mới năng lực SX, năng lực KD và phát triển thương hiệu Vinatex trên thị trường quốc tế, đưa Vinatex hội nhập sâu hơn nữa trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
CPH còn giúp cải thiện động lực cho CBCNV. Khi CBCNV cũng là những cổ đông trong doanh nghiệp, có điều kiện cải thiện sâu hơn chính sách đối với cán bộ, nhân tài cá nhân có đóng góp nhiều, tốt cho doanh nghiệp, có điều kiện để thuê nhân sự quản trị cao cấp và chuyên gia kỹ thuật nước ngoài… kể cả nhân sự tham gia điều hành Tập đoàn.
Hoạt động của Vinatex sau cổ phần hóa sẽ có cơ chế quản trị, giám sát chặt chẽ của các cổ đông, có sự tham gia trí lực nhiều hơn, hiệu quả hơn của đội ngũ CBCNV. Sự nâng cấp trưởng thành hơn, trách nhiệm hơn của cán bộ cũ và mới của Tập đoàn và các DN thành viên liên kết sẽ là sức mạnh mới cho sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của Tập đoàn, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của ngành DMVN.