15-05-2014
Đó là khẳng định của ông Lê Tiến Trường - Phó TGĐ thường trực Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tại Chương trình đối thoại chính sách do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thực hiện tại Trường quay S10 tối 12/5/2014.
Ông Lê Tiến Trường cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cấu trúc các DN nghiệp Nhà nước, tạo đà cho sự phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; triển khai chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã thực hiện tiến trình cổ phần hóa công ty mẹ Tập đoàn và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam ngày 6/5/2014.
(Thứ nhất bên phải) Ông Lê Tiến Trường - Phó TGĐ thường trực Tập đoàn Dệt May Việt Nam phát biểu đối thoại chính sách do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thực hiện tại Trường quay S10
Theo ông Trường sau cổ phần hóa Vinatex sẽ có cơ hội hoạt động tốt hơn, giữ vững vai trò nòng cốt, đầu kéo quan trọng của ngành Dệt May Việt Nam. Trong 15 năm thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Hầu hết các đơn vị của Tập đoàn sau cổ phần hóa đều phát triển tốt, chia cổ tức từ 20-25%.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) có vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng. Tổng số cổ phần là 500 triệu cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, trong đó, Nhà nước nắm giữ 255.000.000 cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 3.000.850 cổ phần, chiếm 0,6% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 120.000.000 cổ phần, chiếm 24% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 121.999.150 cổ phần, chiếm 24,40% vốn điều lệ.
Trước khi cổ phần hóa công ty mẹ Tập đoàn đã làm tốt công tác đối thoại với người lao động, giải thích chế độ chính sách với người lao động, vì đây là vấn đề rất bất ngờ với người lao động, chúng tôi có thuận lợi là cán bộ Văn phòng công ty mẹ Tập đoàn là những người thực hiện cơ chế chính sách trong cổ phần hóa cho người lao động tại các công ty thành viên trước đây, họ hiểu tương đối tốt về cơ chế chính sách, hiểu được mục tiêu cổ phần hóa và cũng nhận thấy được lợi ích của cổ phần hóa; đã có sự tham gia mua cổ phần ở các nơi đều có hiệu quả đáng kể. Cùng với việc cổ phần hóa công ty mẹ Tập đoàn chúng tôi tiến hành cổ phần hóa 5 công ty TNHH MTV do công nhân có trình độ trung học phổ thông, nên chúng tôi phải giải thích cho công nhân nắm rõ chế độ chính sách một cách thấu đáo để họ thông suốt; nếu không nắm rõ chế độ chính sách và lợi ích của người lao động sau cổ phần hóa sẽ sinh ra những thắc mắc không đáng có.
Ngành dệt may là ngành có tiềm năng, là một trong 5 nước sản xuất hàng dệt may hàng đầu thế giới, cứ 5 năm kim ngạch xuất khẩu của toàn Ngành lại tăng gấp đôi. Khi cổ phần hóa nguồn lực tài chính sẽ tăng mạnh, Vinatex sẽ chủ động phát triển thị trường và làm chủ công nghệ, tính toán bước đi phù hợp cho từng lĩnh vực may, sợi, dệt, phụ liệu… xây dựng chuỗi sản phẩm để tăng giá trị gia tăng cho hàng dệt may xuất khẩu, tăng doanh thu nội địa…
Để thu hút được nhà đầu tư khi cổ phần hóa thì điều quan trọng nhất là thông điệp đưa ra của ban lãnh đạo mới khi cổ phần hóa; tầm nhìn phát triển và sự minh bạch trong quản trị. Theo ông Trường, nguồn lực tài chính trong khối tư nhân trong nước còn rất dồi dào so với lượng vốn khoảng vài ngàn tỷ đồng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi cổ phần hóa thì không phải là lớn, nếu mô hình mới chứng minh được chiến lược phát triển, sự minh bạch trong quản trị, thực sự đổi mới tạo được nền tảng vững chắc với cổ đông thì sẽ thu hút được các nhà đầu tư.
Về cơ bản Vinatex sẽ chọn các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính, thương hiệu mạnh, sẵn sàng chia sẻ với Tập đoàn về chiến lược đầu tư trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn, biết tôn trọng và phát huy các giá trị truyền thống của Vinatex. Được sự quan tâm của Chính phủ và sự ủng hộ của Bộ Công Thương, Vinatex sẽ xây dựng các tiêu chí để chọn nhà đầu tư chiến lược báo cáo Bộ Công Thương, song song với đó là tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cần thiết để có thể tiến hành IPO đúng vào ngày 6/8 năm nay.