24-04-2014
Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3218/QĐ-BCT ngày 11/04/2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu đùng trong nước ngày càng cao...
Về mục tiêu cụ thể, Quy hoạch chỉ rõ, giai đoạn 2013 - 2015 tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 12% đến 13%/năm, trong đó ngành dệt tăng 11% đến 12%/năm, ngành may tăng 13% đến 14%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 10% đến 11%/nãm. Tăng trưởng thị trường nội địa đạt 9% đến 10%/năm.
Giai đoạn 2016 - 2020: Tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 12% đến 13%/năm, trong đó ngành dệt tăng 13% đến 14%/năm, ngành may tăng 12% đến 13%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 9% đến 10%/năm. Tăng trưởng thị trường nội địa đạt 10% đến 12%/năm;
Giai đoạn 2021 đến 2030: Tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 9% đến 10%/năm. Trong đó ngành dệt tăng 10% đến 11%/năm, ngành may tăng 9% đến 10%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 6% đến 7%/năm. Tăng trưởng thị trường nội địa đạt 8% đến 9%/năm;
Về cơ cấu ngành dệt, ngành may trong cơ cấu toàn ngành dệt may: đến năm 2015, ngành dệt chiếm tỷ trọng 45%, ngành may chiếm tỷ trọng 55%; năm 2020, tỷ trọng ngành dệt tăng lên 47%, ngành may giảm còn 53%; năm 2030, ngành dệt tăng lên 49%, ngành may còn 51% trong toàn bộ cơ cấu ngành dệt may.
Về định hướng phát triển các sản phẩm, lĩnh vực quan trọng sẽ tập trung vào 3 nội dung chính: Thứ nhất, tăng cường cho ngành may xuất khẩu để tận dụng cơ hội thị trường; Thứ hai, xây dựng Chương trình sản xuất vải phục vụ xuất khẩu, phát triển các sản phẩm dệt kỹ thuật, sản phẩm dệt phục vụ y tế; Thứ ba, phát triển nguồn nguyên liệu xơ bông, các loại cây cỏ xơ sợi, xơ sợi nhân tạo và phụ liệu.
Về Quy hoạch theo vùng, lãnh thổ sẽ được phân chia thành 7 khu vực chính. Khu vực 1: Vùng Đồng bằng sông Hồng; Khu vực 2: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Khu vực 3: Vùng Bắc Trung Bộ; Khu vực 4: Vùng Duyên hải Nam Trung bộ; Khu vục 5: Vùng Đông Nam Bộ; Khu vực 6: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Khu vực 7: Vùng Tây nguyên.
Mỗi khu vực có một định hướng phát triển phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế của khu vực. Với Hà Nội (Khu vực 1) và TP.HCM (Khu vực 5) được định hướng là trung tâm về thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may…
Quy hoạch cũng đề ra 8 nhóm giải pháp và chính sách để thực hiện, bao gồm: Các chính sách và giải pháp thị trường; Các chính sách và giải pháp về đầu tư; Các chính sách và giải pháp về quản lý ngành; Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực; Các giải pháp về khoa học và công nghệ; Các giải pháp về cung ứng nguyên phụ liệu; Các giải pháp bảo vệ môi trường; Các giải pháp về tài chính.
Để thực hiện quy hoạch trên, Bộ Công Thương đã đề ra các giải pháp và chính sách như: đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường nội địa. Tiếp tục xuất khẩu tại các thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường mới.
Ngoài ra, xây dựng các bản đồ quy hoạch dệt may, danh mục các dự án khuyến khích đầu tư một cách chi tiết hơn; khuyến khích đầu tư xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm tập trung đảm bảo các điều kiện hạ tầng về điện, cấp nước, xử lý nước thải, đáp ứng các yêu cầu về môi trường và nguồn lao động có khả năng được đào tạo...