24-04-2014
Sáng 18/4/2014, đoàn công tác Ủy ban kinh tế của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Nội dung gồm 3 vấn đề chính: Tình hình SX-KD của Tập đoàn giai đoạn 2010-2013 & kế hoạch 2015-2020, tiến trình CPH tái cấu trúc Tập đoàn và đánh giá tác động của cơ chế chính sách đến hoạt động của doanh nghiệp.
Vinatex tiếp đoàn công tác Ủy ban kinh tế của Quốc hội
Đến năm 2020, dệt may vẫn tăng trưởng tốt
Mặc dù những năm gần đây kinh tế thế giới đặc biệt khó khăn, nhập khẩu và tiêu dùng tại các thị trường lớn liên tục sụt giảm song ngành dệt may vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 12%/năm. Không những kim ngạch tăng, thị phần tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đều tăng, điều này cho thấy dệt may Việt Nam ngày càng có uy tín trên thị trường quốc tế.
Đánh giá về kết quả đạt được trong 3 năm qua, Phó Tổng Giám đốc Lê Tiến Trường cho biết đây là nỗ lực của toàn ngành, chưa có tác động khách quan từ những Hiệp định hay chính sách thương mại quốc tế nào, đồng thời cũng không có một chế độ ưu đãi đặc biệt nào từ phía Chính phủ. Kết quả của 4 cuộc điều tra gần đây nhất của Mỹ, xuất khẩu dệt may của Việt Nam hoàn toàn minh bạch, không có phá giá, không trốn thuế, không có trợ cấp của Nhà nước, tuyệt đối tuân thủ cơ chế thị trường và các điều khoản quy định của WTO.
Với đà tiến của năm 2013 khi kim ngạch xuất khẩu đạt trên 20 tỷ USD cùng kết quả khả quan của quý I/2014, toàn ngành nhiều khả năng đạt được 24 tỷ USD trong năm nay, vượt trước kế hoạch 5 năm. Giai đoạn 2015-2020 khi các Hiệp định đang đàm phán có hiệu lực, ngành dệt may Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức rất lớn, nếu chuẩn bị tốt kim ngạch xuất khẩu có thể chạm mốc 40 tỷ USD vào năm 2020.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xuất khẩu, ngành cũng đang chứng kiến sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng lao động. Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, hiện nay có 6200 doanh nghiệp có số lượng công nhân từ 500 người trở lên, theo đó số lượng công nhân có hợp đồng chính thức là 2,7 triệu người, nhân công phục vụ gián tiếp cho ngành là 2 triệu người. Như vậy lương lao động làm việc liên quan đến dệt may là 4,7 triệu người, một con số rất đáng khích lệ đối với một ngành kinh tế chủ lực như dệt may.
Tái cấu trúc Vinatex theo mô hình ODM
Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam chiếm tỷ trọng 15% của toàn ngành. Nếu chỉ tính các doanh nghiệp dệt may Việt Nam (không tính DN FDI) thì xuất khẩu của Vinatex chiếm tỷ trọng gần một nửa.
Các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn có mức tăng trưởng về thu nhập lao động cao nhất ngành, kể cả so với doanh nghiệp FDI. Hiện nay thu nhập trung bình của Vinatex là 5,2 triệu đồng/tháng, đặc biệt có những đơn vị trả từ 6,5 đến 7,5 triệu/tháng cho công nhân.
Những năm vừa qua, các doanh nghiệp may thuộc Tập đoàn có mức chi trả cổ tức ổn định từ 20 đến 25%, kể cả những doanh nghiệp tính vốn cao như Việt Tiến, Phong Phú... Có những năm đột biến, các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả cổ tức ở mức 30 đến 50% như Đức Giang, May Hưng Yên…Tập đoàn luôn xác định phải giữ vững ổn định sản xuất – kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn phải cao hơn lãi suất tiết kiệm, đồng thời mở rộng đầu tư đặc biệt chú trọng vào sợi, dệt, nhuộm nhằm chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, tăng cường giá trị gia tăng cho sản phẩm, đảm bảo lợi ích doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động và công chúng tiêu dùng.
Là một trong những Tập đoàn nhà nước đầu tiên tiến hành cổ phần hóa, tính đến nay Tập đoàn đã hoàn thành xong xác định giá trị doanh nghiệp, phương án CPH cụ thể đang chờ Chính phủ thông qua. Đến tháng 6 năm nay, Vinatex sẽ rút xong toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành và quay vòng vốn đề đầu tư mở rộng sản xuất, đáp ứng yêu cầu của quá trình tái cấu trúc Tập đoàn.
Phương hướng tái cấu trúc Tập đoàn được gắn với mô hình ODM. Trước đây đầu tư chủ yếu tập trung vào may do vốn thấp, quay vòng vốn nhanh, tính rủi ro không cao. Tuy nhiên đứng trước yêu cầu của nhiều Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp dệt may của ngành và Vinatex cần có sự liên kết chuỗi theo chiều dọc nhằm tranh thủ được lợi thế. Trước tình hình đó, Vinatex đầu tư mới các nhà máy về sợi, dệt, nhuộm theo quy hoạch đã được đề ra , đồng thời đảm nhiệm nhiệm vụ tìm và phân phối nguồn cung ứng giúp doanh nghiệp ổn định đơn hàng và tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh nếu TPP là “lực đẩy” khiến các doanh nghiệp phải đi tìm các nguồn nguyên liệu trong nước thì Vinatex sẽ là “lực kéo” để giúp các doanh nghiệp đi đúng hướng. Có như vậy doanh nghiệp dệt may Việt Nam mới mang lại giá trị thực cho nền kinh tế quốc dân.
Ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển
Trước câu hỏi của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về những đề xuất đối với cơ chế chính sách hiện nay, đại diện Vinatex cho hay các doanh nghiệp dệt may không chịu quá nhiều ảnh hưởng trực tiếp từ lạm phát và lãi suất. Song nếu hai chỉ số ở mức cao sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp có liên quan (như công nghiệp phụ trợ, vận tải, kho bãi…), đồng thời cũng tạo ra áp lực cho doanh nghiệp về giá nhân công.
Thời gian trước, lãi suất tăng đã khiến một số doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tụt bậc trong chuỗi giá trị, từ sản xuất theo FOB, ODM trở lại sản xuất gia công. Trước mắt, thiệt hại này không tính bằng tiền song lại lãng phí rất nhiều thời gian và công sức. Về lâu dài, nó có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Như vậy, ổn định kĩnh tế vĩ mô gắn với một thị trường tiêu dùng năng động là điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển toàn diện về cả xuất khẩu lẫn thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, Vinatex cũng đề xuất Chính phủ có quy hoạch tổng thể về phát triển ngành, xác định rõ vị trí của dệt may trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đồng thời có cơ chế quản lý doanh nghiệp một cách chặt chẽ và sát sao nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa các doanh nghiệp.
Đánh giá về chiến lược tái cấu trúc Tập đoàn, đoàn công tác của Ủy ban nhất trí đây là một hướng đi đúng đắn, mang lại giá trị thực tiễn cho ngành và nền kinh tế đất nước. Thay mặt Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên cảm ơn sự chia sẻ của Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Những ý kiến có được từ buổi làm việc ngày hôm nay rất có ích cho việc đánh giá hiệu quả của cơ chế chính sách vĩ mô đối với các doanh nghiệp nhà nước, cũng là cơ sở để Ủy ban bổ sung và hoàn thiện các đề xuất trình Quốc hội và Chính phủ trong thời gian tới.