28-03-2014
Chiều 24/03/2014 tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam tổ chức hội nghị BCH lần 8 khóa IV để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014. Ông Vũ Đức Giang Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Năm 2013, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã làm tốt công tác là cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Vitas phối hợp với Bộ Công Thương, Vinatex để tăng cường hợp tác với các nước như Nhật, Hàn Quốc…, các tổ chức quốc tế như CBI Hà Lan… để tổ chức các khóa đào tạo theo chuyên đề nhằm tăng năng lực thiết kế, sản xuất dệt, nhuộm, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, duy trì quan hệ lao động hài hòa… Đẩy mạnh công tác đầu tư, thu hút đầu tư đặc biệt vào khâu sản xuất nguyên liệu đón đầu FTA, TPP… Tiếp tục tham vấn cho đàm phán FTA, TPP và thông tin cho DN biết và chuẩn bị các điều kiện để có thể tận dụng lợi thế; tham gia xây dựng, góp ý cho các dự thảo pháp luật liên quan đến môi trường kinh doanh của ngành dệt may; phản ảnh tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của DN dệt may đến bộ, ban ngành để tìm cách tháo gỡ.
Toàn ngành đã đạt giá trị xuất khẩu hơn 20 tỷ USD năm 2013, trong đó thặng dư thương mại 9,5 tỷ USD, tăng trưởng 18,5% so với 2012. Ngành dệt may đã tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao động và đang thực hiện chiến lược chuyển dịch các nhà máy từ các thành phố ra vùng sâu, vùng nông thôn. Bên cạnh đó, dệt may Việt Nam đã thực hiện các giải pháp chiến lược phát triển nguyên, phụ liệu và các sản phẩm cốt lõi nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP sắp được ký kết. Mục tiêu của dệt may là đạt giá trị xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD vào năm 2020.
Ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, rào cản quan trọng trong sản xuất vải ở Việt Nam hiện nay chính là môi trường. Làm vải thì đụng đến nhuộm, nhưng hiện nay hầu hết các địa phương rất e ngại với doanh nghiệp nhuộm, không địa phương nào mặn mà với sản xuất nhuộm có mặt tại địa phương mình bởi lo sợ gây ô nhiễm. Làm sao vừa sản xuất được vải mà vẫn giữ được môi trường, muốn đạt được mục tiêu này thì phải cải thiện cách quản lý. Nhiều nước như Ý, Pháp, Nhật … vẫn sản xuất vải nhưng họ đâu có gây ô nhiễm môi trường, vậy vấn đề ở đây chính là cách quản lý như thế nào để không gây ô nhiễm môi trường. “Đây là bài toán khó cho việc giải quyết nguồn cung nguyên liệu mang tính dài hạn: Làm thế nào để ngành dệt may đồng hành với bảo vệ môi trường, liệu chúng ta có giải pháp kiên quyết từ bây giờ hay không, nếu từ nhà quản lý đến doanh nghiệp đều có trách nhiệm đến môi trường thì tôi tin chắc chắn Việt Nam sẽ làm được”.
Phát biểu kết luận và giao nhiệm vụ năm 2014 cho BCH Hiệp hội, Ông Vũ Đức Giang Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhấn mạnh: Năm 2014, Vitas cần phối hợp với các trường, viện của nước ngoài và các trường, viện thuộc Tập đoàn như trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trường Cao đẳng Công nghiệp Dệt May Thời trang Hà Nội, Viện Dệt May, Viện Mẫu thời trang… để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dệt May Việt Nam. Phối hợp với các Chi hội triển khai rộng rãi mô hình quản lý Lean đến từng doanh nghiệp. Xây dựng định hướng chiến lược và tăng cường sự liên kết nội khối để hình thành chỗi liên kết cho ngành Dệt May Việt Nam. BCH cần xem xét và đề xuất với Hiệp hội về các vấn đề mà DN đang vấp phải về chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ban khảo sát dệt may sớm báo cáo Chính phủ về việc phát triển ngành dệt may để Chính phủ cho bổ sung và điều chỉnh quy hoạch phát triển giai đoạn 2015 - 2025, tầm nhìn 2035 cho phù hợp với với tình hình và điều kiện mới. Tôi mong muốn, với tầm nhìn của BCH, chúng ta sẽ có mối liên hệ với nhau để có tính bền vững. Xin cám ơn các doanh nghiệp đã đóng góp cho ngành Dệt May Việt Nam trong thời gian qua.
Cùng ngày, ông Vũ Đức Giang, đại diện cho các doanh nghiệp của Vitas và ông Nguyễn Tùng Vân, đại diện Công đoàn Dệt May Việt Nam đã ký kết thỏa ước lao động tập thể lần 3.