CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
May về làng

19-12-2014

Về làng để dạo chơi, ngắm nghía, thư giãn, thăm thú hoặc ăn cỗ thì còn thấy thích, thấy vui. Nhưng về làng để làm việc thì ai nấy ngán ngẩm lắc đầu: Khó lắm! Khó như đội đá leo núi! Vậy thì các doanh nghiệp may khi đưa nhà máy về làng quê, tuyển dụng công nhân may là những nông dân thuần túy, hầu hết chỉ biết làm nông nghiệp, sẽ phải đối diện với những thách thức nào để vừa hoàn thành tốt việc SXKD, lại góp phần thay đổi diện mạo nông thôn?
 
Khó thay đổi
 
Làng là một quần thể vững bền, nhưng cũng vì thế mà vô cùng khó thay đổi. Những nếp nghĩ, thói quen, tập quán hằn sâu trong tâm trí người làng qua hàng ngàn năm, không dễ gì thay đổi trong một vài năm, thậm chí là chục năm. Trong khi đó, thời đại công nghiệp hóa, công nghệ thông tin, kinh tế tri thức trên thế giới khiến xã hội thay đổi nhanh chóng mặt, mà làng quê Việt Nam lại đứng ngoài được hay sao?
 
Chúng ta muốn xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thì người nông dân Việt Nam ở làng quê không thể dửng dưng đứng ngoài được. Đó là lực lượng đông đảo, tuy nhiên hiện nay lại có thu nhập rất thấp, do năng suất lao động, hiệu quả lao động thấp. Nếu chỉ trông vào hạt thóc, thì một người nông dân Việt mỗi năm làm ra không quá 5 triệu đồng, trong khi còn chi phí nào phân bón, thuốc trừ sâu, giống má, chưa kể biết bao công sức đổ ra trên thửa ruộng mà có khi lại mất trắng vì thiên tai…
 
Đưa nghề may về làng, hẳn nhiên người nông dân sẽ có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Nhưng lại phải nhắc đến cái khó của sự LÀM tại làng. Khi làm may, người nông dân cũng phải thay đổi nghề, từ nghề làm tiểu nông, sang một thợ may công nghiệp. Có nghĩa là mọi thói quen, nếp nghĩ, cách làm, tập quán đã hằn sâu trong người nông dân hàng ngàn năm cũng phải thay đổi theo. Đây là điểm khó nhất mà bất cứ nhà đầu tư, ông chủ doanh nghiệp may nào muốn đưa nghề may, nhà máy may về làng phải đối mặt.
 
Người nông dân đã trở thành công nhân may
 
Chiến lược đưa may về làng
 
Ngay từ năm 2011, theo Nghị quyết  số 06-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2011-2015, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định đã xây dựng chiến lược đưa may về làng. Các cán bộ chủ chốt của Tổng Công ty đã cất công đi khảo sát nhiều xã, vận động, thuyết phục để có quỹ đất phù hợp (từ 1,5 đến 2 ha/nhà máy) và tiến hành xây nhà máy may tại các thôn, làng.
 
Người dân ở các làng chỉ biết làm ruộng, hoặc buôn bán lặt vặt, không có ý thức học thêm nghề khác. Khi tuyển dụng người làng, DN phải đào tạo nghề may từ đầu. Nhưng đó chưa phải là việc khó nhất. Anh Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Nhà máy May Trực Hưng (Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định) đặt tại thôn Hưng Lễ, xã Trực Hưng, huyện Trực Ninh, Nam Định, cho biết, nhà máy chúng tôi làm hàng xuất khẩu đi châu Âu, Nhật, Hàn Quốc nên đòi hỏi hàng làm chất lượng cao, các chi tiết phải thực hiện kỹ. Tuy nhiên công nhân khi làm sai, hỏng, ẩu phải làm đi làm lại nhiều lần, đã phản ứng, rằng “cháu nhìn thấy đẹp rồi mà sao chú cứ bắt làm lại?” Mình phải hiểu một thực tế là các cháu đều con em nông dân, chưa từng được ăn ngon, mặc đẹp và cũng chưa hiểu thế nào là chất lượng, là đẹp, nên khi làm ra sản phẩm, trong con mắt các cháu thấy đó là đẹp, thực ra chưa đạt. Mình phải hiểu tâm lý và cái nhìn của người lao động (NLĐ) để kiên trì giải thích, hướng dẫn NLĐ làm bằng được, dù rất mất công sức.
 
Anh Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Nhà máy May Trực Hưng 
 
Sự ì trệ, không muốn thay đổi trong tâm trí người dân ở làng như hòn đá tảng mà người lãnh đạo mỗi DN cần phải dời chuyển đi bằng được, khó như vác đá leo núi. Với mỗi đường may, hướng dẫn NLĐ đến chục lần vẫn làm không đạt, NLĐ buông xuôi và nói “cháu chỉ làm được đến thế thôi”, bạn sẽ hành xử ra sao? Người lãnh đạo không thể lùi bước kể cả khi NLĐ đã nản. Phải làm bằng được, tại sao NLĐ ở các DN khác làm được mà ở đây chúng ta không làm được, chúng ta đều là người Việt, máu đỏ da vàng như nhau? Người lãnh đạo nhà máy, cùng nhân viên kỹ thuật lại phải kiên trì hướng dẫn, động viên, khích lệ tinh thần NLĐ ở làng quê, để họ chịu thay đổi mà không buông xuôi, làm bằng được công việc.
 
Tạo ý thức công nghiệp mới
 
Mặc dù đi làm công nhân, nhận lương tháng, có chế độ bảo hiểm xã hội, nhưng NLĐ ở làng quê vẫn giữ thói quen làm nông nghiệp. Đến vụ gặt, hầu như cả nhà máy vắng ngắt vì công nhân nghỉ đi gặt lúa. Mùa cuối năm, cưới hỏi, giỗ chạp… cả làng đi ăn cỗ, cũng nghỉ làm luôn. Giám đốc Hữu Thành lắc đầu, nói: NLĐ luôn xin nghỉ, vì những cái cớ rất nhạt, như: nghỉ làm để đi tìm con chó, nghỉ vì trời mưa, nghỉ khi thấy làng mất điện, nghỉ ăn giỗ họ, vv… Có khi NLĐ chỉ đến đám giỗ ngồi chơi, hút thuốc, uống chè, tán gẫu, không làm gì cả, nhưng cũng không đến nhà máy làm việc. Rèn ý thức công nghiệp cho người công nhân từ làng quê đòi hỏi phải có quá trình lâu dài, không nóng vội được. Bản chất của người nông dân là chịu khó, nhưng tự phát, không có tính tập thể. Họ lại thích la cà, lấy câu chuyện làm quà, nhiều khi tạo nên dư luận xấu, mất đoàn kết. Những lúc như thế mình cần có biện pháp cứng rắn.
 
Nhà máy may ở ngay tại làng quê, thuận tiện cho công nhân đi làm
 
Bản thân giám đốc Thành, khi phát hiện ra có NLĐ bị nghiện, phải cho tạm nghỉ và vận động đi cai nghiện, hoặc giải quyết các vụ hiểu lầm, cãi vã, ghen tuông… giữa những NLĐ, đã từng bị nhắn tin đe dọa “xin tý tiết”, nhưng anh đã bình tĩnh mời NLĐ tới nhà máy để giải thích rõ ràng, mở ra hướng giải quyết tích cực, cuối cùng NLĐ cũng hiểu được vấn đề.
 
Ngày nào cũng vậy, lãnh đạo các nhà máy may ở làng cần đi sớm về muộn, sát sao từng chuyền SX, từng máy may, và hiểu tâm lý của NLĐ. Có như vậy mới giữ được nhà máy, được công nhân. Bởi nếu không chịu bám sát Nhà máy, thì dù có đầu tư tới nhiều tỷ đồng dựng nhà máy khang trang tới đâu, thì sau một vài năm cũng sẽ lụi tàn. Không đơn giản cứ trả lương là DN có được NLĐ làm được việc như yêu cầu.
 
Công nhân nhà máy sau một thời gian làm việc, ai cũng đã sắm được xe máy đi làm
Nhà máy may Trực Hưng là một trong những nhà máy may về làng bước đầu thành công. Có thể nói, những người lãnh đạo nhà máy ở làng như GĐ Nguyễn Hữu Thành là những anh hùng thầm lặng. Bởi chiến đấu với giặc nghèo, giặc dốt còn phức tạp, khó khăn bội phần cuộc chiến ngoài mặt trận. Sau hơn 3 năm nhà máy may Trực Hưng đi vào hoạt động, anh Thành đã có thể mỉm cười khi gần 400 công nhân nhà máy ai cũng đã sắm được xe máy đi làm, nhiều cặp đôi đã thành hôn và có gia đình hạnh phúc, kinh tế ổn định, xây được nhà mới. Và điều đáng mừng nhất là ý thức của NLĐ đã thay đổi từng bước, quen dần với tác phong công nghiệp, chịu khó học hỏi cái mới để thay đổi mình, thay đổi làng quê tốt đẹp hơn.
 
Kiều Hậu