12-08-2024
Mới đây, Bộ Tài chính vừa có Tờ trình gửi Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Trước đó, Chính phủ đã đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm, kéo dài 6 tháng so với quyết định hồi cuối năm ngoái của Quốc hội, ông bình luận gì về việc này?
Trong điều kiện kinh tế như hiện nay, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nếu như nhà nước có thể hỗ trợ được cho các doanh nghiệp đến đâu thì quý đến đó.
|
Trợ lực cho doanh nghiệp, không chỉ từ công cụ giảm thuế VAT |
Chúng ta cũng biết rằng, ngân sách nhà nước, mấy năm vừa qua đã thiếu hụt rất nhiều và nếu thực hiện tiếp việc giảm thuế VAT 2%, thì đâu đó sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Đây là con số tương đối lớn, nhất là trong điều kiện như hiện nay của ngân sách.
Nếu Chính phủ, Bộ Tài chính mà cân đối được từ việc tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, chống thất thoát của nguồn thu, tăng hiệu quả chi tiêu cũng như có phương án vay nợ phù hợp thì việc hỗ trợ cho doanh nghiệp là quá tốt.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất đó là làm sao cân đối giữa việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước. Trong đó, chúng ta cần cân nhắc đến việc có khả năng vay hay không, nếu đi vay sẽ làm cho vay nợ Chính phủ (nợ công tăng). Việc này có ảnh hưởng gì đến đảm bảo an ninh tài chính, sức mạnh của nền kinh tế cũng như các cân đối vĩ mô khác trong thời gian tới hay không?
Bên cạnh đề xuất về giảm thuế, theo ông, đâu là giải pháp căn cơ trong hỗ trợ doanh nghiệp?
Vấn đề quan trọng nhất đó là làm sao để cho các doanh nghiệp giảm được chi phí và có khả năng tiếp cận được cơ chế, chính sách cũng như môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn.
|
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh |
Điều này chúng ta lại quay lại vấn đề đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, số hóa hoạt động của Chính phủ. Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là việc tính thuế, nộp thuế dễ dàng theo cơ chế số hiện nay.
Bên cạnh đó, làm sao để doanh nghiệp chuyển đổi xanh được, càng nhiều càng tốt. Hiện nay, thị trường các nước phát triển, nhất là thị trường các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản,… đang đòi hỏi các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, cũng như bảo vệ môi trường sau khi sử dụng các sản phẩm hàng hóa đó. Đây là việc rất khó với doanh nghiệp, nhưng bắt buộc phải thực hiện. Nếu không, sẽ dẫn đến tình trạng như năm 2023, chúng ta mất một loạt các đơn hàng của một số ngành nghề, trong đó có ngành dệt may. Nếu không bán được hàng, điều này đồng nghĩa với tự tay chúng ta đóng cánh cửa xuất khẩu của mình.
Do đó, tôi cho rằng, nhà nước cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để giúp họ chuyển đổi xanh được một cách tốt nhất.
Như ông vừa chia sẻ, chuyển đổi xanh là việc rất khó đối với doanh nghiệp nhưng buộc phải làm, nhiều ý kiến cho rằng, cần có dòng vốn xanh, cũng như sự trợ lực từ Ngân hàng Nhà nước, ông bình luận gì về điều này?
Việc đòi hỏi chính sách từ ngân hàng thương mại với dòng vốn xanh là rất khó, việc này phải từ Ngân hàng Nhà nước, phải từ Chính phủ.
Theo đó, liên quan đến chuyển đổi xanh của nền kinh tế, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có các khoản cho vay ưu đãi thế nào, lãi suất ra sao, tiếp cận như thế nào? Mọi điều kiện đều đơn giản hơn nhưng hiệu quả hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn chuyển đổi xanh. Đây là việc quan trọng.
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có cơ chế chính sách, cách thức tổ chức phù hợp để đảm bảo hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện xanh hóa quá trình sản xuất kinh doanh.