14-08-2014
Ủng hộ các DN dệt may trong nước áp dụng phương thức ODM, OBM, tuy nhiên DN phải thận trọng, tự cảm thấy lực mình đến đâu, đồng thời phải tranh thủ sự hỗ trợ của khách hàng. Đó là ý kiến của ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), về vấn đề tiếp cận ODM, OBM của các DN dệt may Việt Nam.
Thưa ông, lợi nhuận sẽ gia tăng như thế nào khi DN chuyển từ phương thức gia công sang sản xuất theo ODM, OBM?
Khi DN chuyển từ sản xuất theo OEM (gia công) sang sản xuất theo FOB (chủ động nguồn nguyên liệu cho khách hàng), thì giá trị gia tăng của DN bắt đầu tăng lên. Khi chuyển sang làm ODM, DN nhận lại phần design (ý tưởng thiết kế từ phía đối tác) trên cơ sở đó phát triển thành các mẫu của mình, đưa ra nguyên phụ liệu để phía đối tác duyệt, nhưng khi ra thành phẩm phải mang tên thương hiệu của đối tác vì họ là người đưa ra bản thiết kế nền tảng.
Khi đó giá trị gia tăng của DN cao hơn gấp 2 đến 3 lần, tùy từng loại hàng vì nó bao gồm cả chi phí thiết kế và chi phí mua sắm nguyên phụ liệu. Nếu làm hàng FOB thì giá trị gia tăng chỉ lên từ 7-10% nhưng nếu làm hàng thời trang theo ODM thì giá trị có thể tăng đến 30-40%. Với phương thức OBM, giá trị còn tăng cao hơn, nhưng làm OBM rất khó. Hiện nay phương thức OBM ở Việt Nam mới chỉ áp dụng trong nội địa, chứ chưa đưa được ra nước ngoài.
Nhiều năm qua, các DN dệt may Việt Nam chủ yếu làm gia công. Theo ông, vai trò của gia công trong quá trình tiến tới ODM, OBM là như thế nào?
Trong xu thế chung, khi tham gia vào thị trường may mặc DN phải đi từng bước và bước đầu tiên là các DN phải làm gia công. Ngành Dệt May Việt Nam sát cánh với phương thức này đã 20 năm, kể từ khi ngành thực sự tiếp cận với kinh tế thị trường. Đây là phương thức an toàn nhất.
Gia công cũng là nền tảng đầu tiên của DN, vì DN dù muốn làm gì cũng phải làm gia công tốt, tức là phải đảm bảo tuân thủ yêu cầu, biết đọc hồ sơ, thiết kế, có đội ngũ kỹ thuật chất lượng để tiếp thu đơn hàng… Vì vậy gia công giúp DN tạo dựng nền tảng ổn định, nhận được sự chuyển giao công nghệ. Trên cơ sở đó, DN có thể đột phá bằng cách cung ứng thêm nguyên phụ liệu, nghĩa là chuyển sang phương thức FOB cho đến ODM, OBM, khi đó giá trị gia tăng của DN cao hơn rất nhiều. Ví dụ, thương hiệu lớn như Đức Giang khi làm thời trang thì đứng sau là cả một đội ngũ sản xuất trên chục nghìn lao động với 20 nhà máy. Họ đi lên và mang kinh nghiệm từ gia công vào nhà máy thời trang một cách rất bài bản và quy củ.
Nếu muốn gia tăng giá trị, phương thức sản xuất ODM, OBM là xu hướng tất yếu. Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực tiếp cận ODM, OBM của các DN?
Chúng ta có thể điểm danh được một vài thương hiệu nổi tiếng trong thị trường dệt may nội địa đang làm ODM như Việt Tiến, May10, Sài Gòn 2, Đức Giang... Ngoài ra gần đây có một vài thương hiệu tư nhân mới nổi làm được OBM như Eva de Eva, ELISE, Format, NEM…
Đưa sản phẩm và thương hiệu OBM trong nước ra nước ngoài rất khó. Hiện nay, một số DN dệt may Việt Nam áp dụng phương thức OBM nhưng chỉ phục vụ thị trường nội địa, bởi thương hiệu của Việt Nam đưa ra nước ngoài vẫn khó được chấp nhận, ngay cả Trung Quốc, Nhật Bản cũng chưa thành công khi XK sản phẩm OBM. Một số DN tư nhân có thể lách được nhưng chỉ là phân khúc rất nhỏ. Tuy nhiên nếu DN tạo dựng được thương hiệu OBM tại thị trường nội địa tốt, sẽ là tiền đề để các DN nước ngoài đặt các đơn hàng tốt, tạo dựng giá trị gia tăng cao cho DN.
Tóm lại, càng tiến sâu lên phương thức mới thì giá trị gia tăng càng cao, tuy nhiên để thành công và được chấp nhận trên thị trường là cả một bài toán nan giải.
Những khó khăn của DN dệt may khi tiếp cận phương thức sản xuất ODM, OBM là gì, thưa ông?
Khi làm ODM, OBM, DN gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, marketing, vấn đề thiết kế, may mẫu, duyệt mẫu, cung ứng nguyên vật liệu đúng chuẩn...; trong sản xuất phải đảm bảo được chất lượng và cuối cùng là đảm bảo đúng thời hạn giao hàng. Trong đó, khó khăn nhất là nguồn nhân lực.
DN làm theo phương thức OBM sẽ được nhiều lợi nhuận, nhưng DN phải tự lo hết tất cả các khâu với nhiều rủi ro như: Mẫu chưa chuẩn, cung ứng không kịp, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa cũng như thời hạn giao hàng... Trong đó, rủi do nhất là chất lượng.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam rất ủng hộ các DN dệt may trong nước áp dụng phương thức ODM và OBM. Tuy nhiên chúng tôi cũng lưu ý các DN, ai có điều kiện theo đuổi được thì hãy làm, không nên tham, vì thực sự nếu áp dụng phương thức này các DN sẽ đối đầu với rất nhiều khó khăn. DN phải thận trọng, tự cảm thấy lực mình đến đâu, đồng thời phải tranh thủ sự hỗ trợ của khách hàng.
Để khắc phục khó khăn này, theo ông các DN phải làm gì?
Trên con đường tiến tới ODM và OBM, các DN dệt may Việt Nam phải giải được bài toán nguồn nhân lực. Để có được nguồn nhân lực giỏi, trước hết DN phải tự đào tạo, thứ hai là tuyển dụng qua các trường, thứ ba là mua nhân sự giỏi. Nếu tuyển người giỏi thì phải trả lương rất cao, và muốn vậy DN phải có chế độ ưu đãi tốt, có nguồn tài chính dồi dào và phương thức quản lý hữu hiệu. 3 yếu tố này là 3 mắt xích quan trọng liên kết với nhau thành một chuỗi liên hoàn. Nhưng tựu chung lại, hình thức tự đào tạo vẫn đem lại hiệu quả cao nhất.