CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
DN dệt may: Chiến lược “Trung Quốc + 1”

06-08-2014

 “Trung Quốc+ 1” là chiến lược mà các DN Nhật Bản thực hiện từ nhiều năm trước trong nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Xu hướng này không chỉ bắt nguồn từ hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông, mà còn bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và lợi ích cho chính các DN VN, trong tương quan với Trung Quốc.

 

Khó khăn trước mắt

Là một trong số 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP. VN sẽ hưởng rất nhiều lợi ích khi tham gia vào khu vực thương mại tự do này bởi đây là khu vực hơn 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Đặc biệt, mức thuế xuất khẩu cho hàng dệt may VN sẽ về 0% và như thế, chúng ta sẽ đứng trước cơ hội lớn để mở rộng thị phần đến các nước thuộc TPP, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, nhiều khả năng các DN dệt may VN sẽ không được hưởng mức thuế 0% nếu vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc.
Lý do vì Trung Quốc không được vào TPP, nên VN nhập nguyên liệu quá nhiều từ Trung Quốc sẽ không được hưởng ưu đãi thuế từ TPP. Nghĩa là, VN buộc phải nội địa hóa 60% nguồn nguyên liệu, hoặc mua nguyên liệu của các nước trong nhóm TPP. Trong khi đó, phần lớn DN dệt may VN lại nhập khẩu gần 70% nguyên liệu từ Trung Quốc.

 

 

Cty Garmex Sài Gòn hiện gần như nhập toàn bộ nguyên liệu từ bên ngoài. Ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT Cty cho hay: Ý tưởng “Trung Quốc + 1” là đúng đắn nhưng DN VN có làm được hay không không hề đơn giản vì cuối cùng vẫn là giá thành sản phẩm. Ngay cả Ấn Độ vốn được coi là công xưởng thế giới nhưng giá thành vẫn cao hơn 1,5 lần so với Trung Quốc, các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản giá cao gấp 2 lần Trung Quốc thì các DN trong nước dù có chấp nhận thị trường mới cũng khó bán được sản phẩm.
“Tại Garmex Sài Gòn, phải tốn khá nhiều công sức chúng tôi mới thuyết phục một khách hàng Hoa Kỳ mua nguyên liệu nội địa thay cho Trung Quốc nên từ năm 2012 tới giờ, trung bình mỗi năm khách hàng này lấy khoảng 1 triệu m vải nỉ tại VN, dù chẳng đáng là bao nhưng đó cũng điểm khởi đầu. Chỉ đáng buồn là mua của DN vốn FDI tại VN chứ các DN nội vẫn chưa sản xuất được mặt hàng này” - vị này băn khoăn.
Ổn định lâu dài
Theo các chuyên gia, giai đoạn đầu khi VN chưa chủ động được ngành công nghiệp phụ trợ thì việc tìm một thị trường mới thay thế như cách làm của Cty Garmex Sài Gòn là khả quan. Tuy nhiên, về lâu dài, VN cần chủ động xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu của ngành dệt may - ngành trọng điểm đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tất nhiên, công cuộc này chắc chắn không đơn giản khi nhìn vào quá trình chủ động nguyên liệu của một DN - Agtex 28.

 

 

Cách đây 1 năm, Cty đã liên doanh với Tập đoàn Sotoh (Nhật Bản) đầu tư 100 tỷ đồng để thành lập nhà máy sản xuất vải len có công suất 5 triệu m vải len và pha len vào năm 2015 (phía Nhật bao tiêu 80%). Hiện nhà máy đã đi vào hoạt động và trong năm nay đã cung cấp được 400.000m vải len. Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Cần, trưởng phòng nghiên cứu và phát triển Agtex 2: “Hiện mỗi năm VN phải nhập hoàn toàn khoảng 15 triệu m vải len để sản xuất Veston xuất khẩu, thì riêng Agtex 28 đã cung ứng gần 10% cho thị trường nội địa. Đồng thời, Agtex 28 cũng đã đầu tư máy móc, mở rộng quy mô nhà máy sản xuất sợi lên 4.000 tấn sợi vào năm 2015, vừa đáp ứng cho sản xuất của TCty vừa cung cấp cho nội địa”.

Tuy nhiên, theo ông Cần: “Để xây dựng nhà máy sản xuất vải đạt công suất 5 triệu m/năm, ít nhất Agtex 28 phải tốn 100 tỷ đồng (Cty góp bằng mặt bằng, nhân công, chi phí sản xuất), đối tác nước ngoài góp bằng máy móc thiết bị, chuyên gia điều hành. Trong đó, riêng chi phí đầu tư cho xử lý nước thải chiếm khoảng 1/3 toàn bộ chi phí đầu tư nhà máy”.

Như vậy, có thể thấy những DN ít vốn sẽ không đủ năng lực để đầu tư vào phát triển nguyên liệu. Điều đó, đòi hỏi Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ các DN trong lĩnh vực này như chính sách ưu đãi về lãi suất, vốn vay, đất đai...
Thực tế, TP HCM cũng đã có chính sách ưu đãi cho DN dệt may để vừa chủ động vừa khai thác lợi thế nếu TPP được ký kết , nhưng điều đáng tiếc là chính sách  ưu đãi chỉ để thu hút đầu tư nước ngoài chứ không dành cho DN trong nước.

Vinatex