CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
Đầu tư sản xuất NPL cần quan tâm đến sức cạnh tranh của DN

29-07-2014

Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một trong những yêu cầu để hưởng lợi từ Hiệp định này là các doanh nghiệp phải đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Đồng thời, để chủ động nguyên phụ liệu, tránh lệ thuộc vào một nhà cung ứng lớn, đầu tư sản xuất NPL cũng là một trong những giải pháp được các doanh nghiệp quan tâm. Xung quanh nội dung này,  phóng viên website Vinatex đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Trường -  Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

 

 

Tổng Giám đốc Vinatex - ông Lê Tiến Trường

 

Ông đánh giá như thế nào về khả năng chủ động nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam?

15 năm qua, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng ổn định từ 10-15%/năm. Trong khi đó nhập khẩu NPL giảm dần, tỉ lệ nội địa hóa tăng từ 20% lên 50%. Riêng năm 2013, trong 20,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam, nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD, như vậy ngành xuất siêu hơn 10 tỷ USD. Điều này cho thấy giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may ngày càng được nâng cao.
Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường cung ứng lớn của ngành nhưng cũng chỉ chiếm tỉ lệ 37% lượng nguyên liệu nhập khẩu. Điều này thể hiện ngành dệt may không phụ thuộc vào một, hai nhà cung ứng nhất định bởi như vậy tính áp lực và rủi ro sẽ rất lớn, quan trọng hơn là sẽ không khai thác được hết năng lực cạnh tranh của ngành
.

 

Đa dạng hóa nguồn cung cũng như khách hàng chính là chiến lược phát triển trong nhiều năm qua của ngành, ví dụ trước kia chúng ta xuất khẩu phụ thuộc hơn 70% vào thị trường Châu Âu nhưng bây giờ Mỹ cũng chỉ còn chiếm 45%, Châu Âu, Nhật Bản mỗi nước 15%, còn lại các thị trường mới và nhiều tiềm năng như Hàn Quốc, khu vực Asean, Đài Loan…
Mặc dù tỉ lệ nhập khẩu không cao như trước nhưng Trung Quốc vẫn là nơi cung cấp nguyên liệu lớn không chỉ cho dệt may Việt Nam mà con toàn thế giới. Điều này là do ngành dệt may thế giới hoạt động theo mô hình chuỗi với nhiều mắt xích, trong đó mỗi quốc gia nhận một phần việc. Vì Trung Quốc có thế mạnh trong sản xuất NPL nên nhập khẩu từ quốc gia này có tỉ trọng cao là hoàn toàn bình thường.  Ngoài ra,  do vị trí địa lý gần với Việt Nam nên Trung Quốc có lợi thế về tốc độ giao hàng và vận chuyển. Chính hai yếu tố khách quan này đã làm cho mỗi quan hệ hữu cơ giữa ngành dệt may Việt Nam và các nhà sản xuất NPL của Trung Quốc được hình thành từ nhiều năm nay.

Với những đặc thù khách quan của thị trường dệt may toàn cầu, khả năng một mắt xích trong chuỗi cung ứng đơn phương chấm dứt quan hệ kinh tế với các mắt xích khác rất khó xảy ra. Vì mỗi mắt xích này còn chịu sự chi phối chung của toàn chuỗi, đặc biệt là từ khách hàng tại các thị trường lớn. Mỗi quốc gia, doanh nghiệp trong chuỗi đều quan tâm và bảo vệ vị trí của mình để duy trì ngành công nghiệp một cách lâu dài. Trên phương diện quốc gia cũng vậy, việc phá vỡ chuỗi liên kết không chỉ ảnh hưởng đến riêng ngành nghề đó mà nó còn có khả năng lan sang các ngành nghề khác. Đặc biệt uy tín của quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Tất nhiên chúng ta có thể nhìn nhận thấy các yếu tố khó khăn có thể xảy ra như thời gian giao hàng không được nhanh, thủ tục phức tạp … thế nên chúng ta cần kiên định bài toán về tự chủ, nâng cao năng lực sản xuất NPL trong nước, nâng cao giá trị gia tăng, tính cạnh tranh cũng như tìm kiếm những nguồn cung cấp thay thế. Với cách làm như vậy, trong xu thế thương mại hóa toàn cầu như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể kiếm soát được tình hình và khắc phục được khó khăn khi nguồn cung ứng gặp rủi ro.

 

 

Để chủ động nguồn nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đang tính đến đầu tư mở rộng trong sản xuất nguyên phụ liệu. Đó có phải là giải pháp đúng đắn tại thời điểm này?

Quá trình đầu tư sản xuất nguyên liệu đòi hỏi vốn lớn và khả năng quản lý công nghệ cao, đặc biệt là phải nhận được sự đánh giá và chấp thuận của chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay các nhà sản xuất NPL nếu không tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì dù có sản phẩm nhưng sản xuất kinh doanh vẫn hết sức khó khăn. Thế nên không thể đốt cháy giai đoạn, càng không thể tạo ra bước nhảy đột biến mà không có cơ sở vững chắc.
Nhìn lại 10 năm qua, mặc dù chưa có TPP, ngành dệt may VN luôn đi theo con đường nâng cao giá trị gia tăng và kết quả là tỉ lệ nội địa đạt 50% như hiện nay. Điều đó cho thấy con đường này là đúng đắn, phù hợp với nguồn vốn, năng lực quản trị, kỹ thuật công nghệ và năng lực hội nhập chuỗi cung ứng mà chúng ta có. Nếu trước đây đầu tư nhằm nâng cao giá trị gia tăng chủ yếu đến từ các DN Việt Nam thì hiện nay với xúc tác của TPP và các Hiệp định thương mại có quy định xuất xứ khác là một sức hút mới cho cả nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy tốc độ nâng cao năng lực sản xuất NPL ở trong nước sẽ nhanh hơn.  Chúng ta mong rằng chiến lược đúng của doanh nghiệp cộng với chính sách hội nhập kinh tế đúng đắn của  Chính phủ sẽ tạo ra một hành lang mới cũng như động lực mới cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khu vực sản xuất nguyên liệu.
Tuy nhiên đầu tư cái gì cũng phải đảm bảo có hiệu quả và đảm bảo cạnh tranh được trong chuỗi cung ứng toàn cầu.  Chúng ta phải lựa chọn loại nguyên liệu nào, quy mô như thế nào, vốn ra sao để phát triển và đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu vì chúng ta không thể làm ra sản phẩm đó mà không bán cho ai. Mục đích cuối cùng của đầu tư là củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may VN trong chuỗi cung ứng chứ không phải đầu tư để thỏa mãn tỉ trọng nội địa hóa hoặc thỏa mãn một chỉ tiêu nào đấy về sản lượng nội địa.

Dệt may Việt Nam đang ngày một hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, doanh nghiệp của ta không chỉ cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước nữa mà còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Chính vì vậy, khi quyết định đầu tư sản xuất NPL, doanh nghiệp không thể duy ý chí mà phải quan tâm chặt chẽ đến sức cạnh tranh của mình trong  chuỗi cung ứng toàn cầu, như vậy mới đảm bảo tính hiệu quả của dự án.

 

Ông có thể cho biết hướng đi sắp tới của Tập đoàn Dệt May Việt Nam?

Dệt may là ngành xuất siêu có thặng dự thương mại lớn nhất trong các ngành xuất khẩu của cả nước. Mục tiêu trong thời gian tới, ngành sẽ được nâng lên những khâu cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trước hết là khâu nguyên liệu mà sau sẽ là phân phối, thiết kế, thương hiệu.  Trước xu thế đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã và đang tập trung vào sản xuất theo chuỗi ODM, bao gồm cả thiết kế kĩ thuật, cung ứng nguyên liệu trọn gói. Đích cuối sẽ là sản xuất theo hướng OBM (*), có nghĩa là bao gồm cả thiết kế và thương hiệu. Trong 5 năm tới, Tập đoàn sẽ nâng cao tỉ trọng ODM và từng bước tăng bậc trong chuỗi giá trị của ngành dệt may. Tỉ lệ nội địa hóa ít nhất sẽ tăng từ ngưỡng 50% hiện nay lên 60-65% trong thời gian tới.
Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện kĩ năng, tập trung sản xuất các mặt hàng có độ phức tạp cao,  đơn hàng có quy mô vừa và khách hàng là các thị trường ngách. Chiến lược này đã được ngành và Tập đoàn thực hiện trong những năm qua và đạt hiệu quả tốt.  Cụ thể, trải qua 2 cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới mà kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam không bị suy giảm, thậm chí còn tăng trong khi tổng cầu thế giới giảm. Điều này cho thấy uy tin và sức cạnh tranh của dệt may Việt Nam được khẳng định và củng cố trên thị trường thế giới, đây chính là cơ sở để ngành tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.  

Vinatex