03-07-2014
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) là DN giữ vai trò nòng cốt, đầu kéo quan trọng của Ngành Dệt May Việt Nam (DMVN). Vinatex còn là một trong những tập đoàn dệt may (DM) có qui mô và sức cạnh tranh hàng đầu Châu Á.
Qui mô và sức cạnh tranh hàng đầu
Tập đoàn DMVN nguyên là Tổng Công ty DMVN được thành lập ngày 29.4.1995, là DN lớn nhất của Ngành DMVN.
Vinatex là tổ hợp các công ty đa sở hữu gồm công ty mẹ Tập đoàn DMVN; các đơn vị nghiên cứu đào tạo; và gần 83 công ty con, công ty liên kết là các công ty cổ phần, kinh doanh đa lĩnh vực từ SXKD hàng dệt may đến hoạt động thương mại dịch vụ; có hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ; đầu tư vào lĩnh vực hỗ trợ ngành SX chính dệt may... (Trong đó có các DN mạnh hàng đầu cả nước như Công ty CP May Việt Tiến, Tổng Công ty CP Phong Phú, Tổng Công ty May Nhà Bè - CTCP, Tổng Công ty May Hưng Yên - CTCP, Tổng Công ty May 10 - CTCP, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ…)
Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt, may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 Vinatex tập trung phát triển theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hoá, tạo ra bước nhảy vọt về giá trị gia tăng của sản phẩm dệt, may thông qua việc thực hiện ba chương trình trồng bông, dệt vải chất lượng cao và đào tạo nguồn nhân lực có tính quyết định đến sự phát triển bền vững, ổn định lâu dài của ngành DMVN. Đồng thời với nhiệm vụ trên Vinatex đã hoàn thành tiến trình cổ phần hoá toàn bộ các DN dệt may nhà nước năm 2008, và cổ phần hoá công ty mẹ Tập đoàn DMVN trong năm 2014.
Tập đoàn DMVN tham gia tích cực nhất vào chiến lược chung của toàn Ngành đã đề ra, theo đuổi mục tiêu đạt KNXK 5 tỷ USD trước năm 2020, và đưa Vinatex sớm trở thành một trong những tập đoàn đa sở hữu mạnh, có uy tín hàng đầu Châu Á. Hiện tại Tập đoàn DMVN đã có quan hệ thương mại với hơn 400 tập đoàn, công ty đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với KNXK hàng năm chiếm hơn 15% tổng KNXK hàng dệt, may cả nước.
Lĩnh vực hoạt động
Trong lĩnh vực hoạt động của mình, Tập đoàn chủ yếu đầu tư, SX, cung cấp, phân phối, XNK trên lĩnh vực dệt may.
Vinatex tập trung vào các ngành nghề: Công nghiệp dệt may, SXKD nguyên liệu bông xơ, nguyên phụ liệu (NPL), bao bì cho SX và chế biến bông… Trong đó, Tập đoàn tập trung liên kết các công ty thành viên để đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng toàn diện Bông- Sợi-Dệt-May, sản xuất theo phương thức ODM. Mục đích không chỉ tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm của Vinatex, mà còn dẫn dắt toàn Ngành đi theo chiến lược chủ động nguồn NPL, hoàn tất từ khâu đầu đến khâu cuối của DM.
Vai trò, vị thế của Tập đoàn
Với vai trò nòng cốt, Vinatex thực hiện các chức năng:
- Là đầu mối hoạch định chiến lược phát triển ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của Tập đoàn trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển chung của Tập đoàn tới các DN.
- Đầu tư hạ tầng các KCN dệt may, điều phối liên kết các công ty con, kết nối các mối quan hệ, các liên kết kinh tế trong tổ hợp do công ty mẹ thành lập.
- Tập trung đầu tư lĩnh vực SX NPL, lĩnh vực thiết kế và phân phối để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm của toàn hệ thống.
- Phát triển thị trường mới; là nòng cốt của Hiệp hội DMVN và phối hợp, tham vấn cho các cơ quan Nhà nước tiến hành đàm phán các Hiệp định thương mại song phương, đa phương giữa Việt Nam với các nước trong lĩnh vực DM.
- Hỗ trợ các thành viên tìm kiếm thị trường, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ về khoa học-công nghệ và các quan hệ khác bên ngoài Tập đoàn…
- Chỉ đạo xúc tiến việc chuyển từ liên kết theo kiểu hành chính sang liên kết bằng cơ chế đầu tư tài chính, xác định mối quan hệ giữa Tập đoàn và các DN.
- Xây dựng quy chế cử người đại diện vốn (NĐD) của Tập đoàn tại các DN.
- Xây dựng và ban hành quy trình bổ nhiệm, tiêu chí đánh giá NĐD quản lý vốn tại DN theo năm tài chính và theo nhiệm kỳ.
- Tổ chức Hội nghị thường niên NĐD vốn của Tập đoàn để kiểm điểm kết quả, đánh giá vai trò của NĐD, giao các chỉ tiêu phấn đấu cho NĐD để đưa ra lấy ý kiến tại đại hội đồng cổ đông thường niên ở DN.
- Quản lý 07 đơn vị khối viện, trường có đầy đủ năng lực nghiên cứu công nghệ, thiết kế và đào tạo nguồn nhân lực cho toàn bộ ngành DMVN.
- Vinatex là một tập đoàn KT mạnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại, cùng các công ty con tạo thành chuỗi cung ứng bao gồm toàn bộ các khâu trong hoạt động SXKD và phân phối sản phẩm dệt may. Sản lượng SX của Tập đoàn theo nhóm ngành trước thời điểm CPH như sau:
a. Sợi: 111,8 ngàn tấn
b. Vải: 206,4 triệu m2 (dệt thoi); 9,289 ngàn tấn (dệt kim)
c. May: 330 triệu sản phẩm
d. KNXK: 2,9 tỷ USD (năm 2013)
e. Doanh thu (không VAT): 40.646 tỷ đồng (năm 2013)
g. Lợi nhuận trước thuế: 1.760 tỷ đồng (năm 2013)
Vinatex hiện đang hướng tới mục tiêu chiếm lĩnh thị trường nội địa với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 15-20%, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đạt 60% vào năm 2015 và đạt KNXK 5 tỷ USD trước năm 2020.
Về thị trường nội địa, Tập đoàn có hệ thống hơn 50 siêu thị Vinatexmart tại 26 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đơn vị thành viên của Vinatex cũng tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý về khắp các tỉnh, thành và các siêu thị mini tại công ty. Kênh phân phối này đã góp phần đưa hàng dệt may chất lượng tốt, giá hợp lý đến người tiêu dùng. Tổng số điểm bán hàng của các DN trong Tập đoàn đến nay đạt 4200 điểm. Doanh thu nội địa năm 2013 của Tập đoàn đạt 22,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2012. Năm 2014 Tập đoàn phấn đấu tổng doanh thu tăng 12%, trong đó doanh thu nội địa chiếm khoảng 30%.
Về thị trường XK, Mỹ hiện là thị trường XK lớn nhất, chiếm gần 50% giá trị XK của Tập đoàn. Châu Âu là thị trường XK lớn thứ hai của Tập đoàn, chiếm gần 16% tổng giá trị XK của Tập đoàn. Nhật Bản là thị trường lớn thứ ba, chiếm gần 14% tổng giá trị XK của Tập đoàn. Giá trị XK vào thị trường Nhật Bản của Tập đoàn giữ vững ở mức 21-22% trong những năm gần đây. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ tư, chiếm khoảng 7,5% tổng giá trị XK của Tập đoàn. Trong giai đoạn 2006-2012, XK vào thị trường Hàn Quốc của Tập đoàn có sự tăng trưởng mạnh mẽ và ấn tượng, từ 27 triệu USD năm 2006 lên hơn 200 triệu USD năm 2013.
Bên cạnh các thị trường truyền thống, Tập đoàn đang phát triển các thị trường mới nổi như Trung Đông, Nga… để hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường chính. Giá trị XK vào các thị trường này chiếm khoảng 13% tổng KNXK của Tập đoàn. Năm 2013, Tập đoàn đạt KNXK 2,9 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2012.
Vinatex là một Tập đoàn kinh tế uy tín, có vị thế đáng nể trong nước và khu vực. Uy tín của Vinatex trên thị trường dệt may thế giới được đánh giá cao và trân trọng. Bất kỳ đối tác quốc tế nào muốn tham gia thị trường Việt Nam hoặc đầu tư ở đây đều muốn tìm tới Vinatex trước tiên. Vinatex là DN dệt may dẫn đầu trong cả nước, chủ động xây dựng chiến lược tập trung đầu tư những sản phẩm cốt lõi, dẫn dắt toàn Ngành theo con đường phát triển bài bản chuỗi cung ứng toàn diện Bông-Sợi-Dệt-May.
Chiến lược cạnh tranh
Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Vinatex nói riêng và ngành DMVN nói chung là các quốc gia DM mạnh khác trên thế giới. Hiện nay thế giới có những quốc gia đông dân, đang phát triển có định hướng lấy DM làm bàn đạp phát triển nền kinh tế.
Cụ thể, Vinatex và Ngành DMVN hiện đang phải đối diện với các đối thủ cạnh tranh lớn nhất là các DN đến từ Trung Quốc, một mặt Vinatex cũng như các DN DMVN khác vẫn phải sử dụng nguồn NPL lớn nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, các DN DM đến từ các nước như Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào… cũng đang chia sẻ thị phần XK của Vinatex và Ngành DMVN.
Tại thị trường nội địa, Vinatex còn bị cạnh tranh bởi những đối thủ lớn ngoại quốc với vốn đầu tư mạnh, thương hiệu lớn và hệ thống phân phối chuyên nghiệp, đội ngũ marketing dày dạn kinh nghiệm.
Điều này đòi hỏi Vinatex và Ngành luôn gia tăng giá trị và duy trì năng lực cạnh tranh của mình. Giải pháp hữu hiệu nhất là nâng cao khả năng SX NPL, thành lập chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, chất lượng cao, đáp ứng các điều kiện của Hiệp định TPP và các FTA khác để thu lợi ích cao nhất; Nâng cao năng suất lao động, song song đó là nâng cao thu nhập, đời sống NLĐ, khiến họ gắn bó với DN, bảo toàn được đội ngũ NLĐ có kỹ năng cao; Tập trung phát triển khâu thiết kế, trước hết là thiết kế kỹ thuật để thực hiện bằng được phương thức SX ODM, sau đó đến thiết kế thời trang đáp ứng thị trường. Hiện nay trong tổng lượng XK của Vinatex có 10% hàng ODM thực sự. ODM là hướng đi chủ đạo trong chiến lược phát triển của Vinatex.