14-06-2014
Ngày 9/6, Thủ tướng Italia Matteo Renzi và Phu nhân đã có chuyến thăm chính thức 2 ngày tới Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của một Thủ tướng Italia trong suốt hơn 40 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Italia trị giá 2,29 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ thị trường này trị giá 1,17 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu nhưng mặt hàng chủ yếu như: Hàng dệt may, điện thoại các loại và linh kiện; cà phê; giày dép; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; hàng thủy sản; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; cao su; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày;… Về đầu tư, tính đến năm 2013, Italia đứng thứ 29 trên tổng số 100 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 53 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 295 triệu USD, chủ yếu trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép. Để hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược, mới đây, Italia đã đưa Việt Nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi ưu tiên phát triển thương mại và đầu tư.
Thủ tướng Matteo Renzi cho biết, Italia luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, nước có vai trò quan trọng tại khu vực Đông Nam Á và trong ASEAN. Thời điểm này, Italia hướng tới Việt Nam với mối quan tâm rất lớn. Việc mở Tổng lãnh sự quán của nước này tại TP.HCM chính là một nỗ lực cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược song phương. Italia đã đưa Việt Nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi về thương mại và đầu tư. Với cương vị là Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng cuối năm 2014, Italia sẽ thúc đẩy quan hệ giữa EU và Việt Nam. Các doanh nghiệp Italia đang thể hiện sự quan tâm thực sự đối với thị trường Việt Nam, trong đó có lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Italia cũng cam kết tiếp tục tài trợ ODA cho Việt nam và nhất trí sẽ ký một thỏa thuận với Việt Nam về nội dung này.
Việt Nam và Italia thống nhất tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp; nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều hiện ở mức 3,5 tỷ USD lên trên 5 tỷ USD trong hai năm tới, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tăng cường hợp tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực Italia có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: Dệt may, cơ khí chế tạo, da giày, chế biến gỗ, công nghiệp phụ trợ, vật liệu xây dựng, năng lượng, chế biến thực phẩm...