CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
NHỮNG CHÍNH SÁCH MỚI VỀ XUẤT KHẨU DỆT MAY ĐẾN CHÂU ÂU

04-10-2023

Tại sao cần cập nhật các chính sách xuất khẩu?

Trong bối cảnh thị trường rộng lớn, việc xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và phát triển của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm như dệt may, giày da,... Vì vậy, việc theo dõi các chính sách mới, những cập nhật thay đổi trong nội bộ ngành là vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với các ngành dệt may.

  • Xác định thị trường tiêu thụ: Chính sách xuất khẩu xác định những thị trường mà ngành dệt may có thể tiếp cận. Điều này quyết định độ lớn của khách hàng tiềm năng và cơ hội kinh doanh. Thị trường xuất khẩu không ngừng thay đổi. Các xu hướng thời trang, yêu cầu chất lượng và quy định an toàn của các thị trường. Do đó, chúng ta cần điều chỉnh chính sách để đáp ứng những thay đổi này.

  • Đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn: Chính sách xuất khẩu đặt ra các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn cho các sản phẩm dệt may. Điều này giúp đảm bảo rằng sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất ra đáp ứng các yêu cầu quốc tế và thuận lợi cho các hoạt động xuất khẩu vào thị trường mục tiêu.

  • Khả năng cạnh tranh: Chính sách xuất khẩu có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành dệt may trên thị trường quốc tế. Các biện pháp khống chế hay thuế quan có thể làm tăng giá thành sản phẩm và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Vì vậy cập nhật các chính sách mới sẽ giúp doanh nghiệp chủ động ứng biến trước các thay đổi của thị trường.

  • Phát triển kinh tế: Xuất khẩu dệt may đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế của một quốc gia. Cập nhật các chính sách xuất khẩu có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia vào các thỏa thuận thương mại và hợp tác quốc tế và đảm bảo củng cố năng lực cạnh tranh trong ngành.

 

Tổng quan về thị trường Châu Âu

EU là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, vốn được biết đến như một thị trường cao cấp và khó tính với yêu cầu chất lượng cao và quy định nghiêm ngặt về lao động và môi trường. Mỗi năm, người dân EU tiêu thụ hàng dệt may với lượng chất thải đáng kể, ước tính là 5,8 triệu tấn, tương đương 11,3kg/người, một con số đáng báo động đối với quản lý chất thải. 

Để giải quyết vấn đề này, EU đã khởi đầu một chiến dịch để thay đổi xu hướng tiêu dùng và đưa ra giải pháp cho tất cả các bên liên quan trong ngành thời trang, từ nhà thiết kế, thương hiệu, nhà bán lẻ, đến người tiêu dùng cuối cùng và các nhà sản xuất trong và ngoài khu vực. Vì thế dẫn đến sự ra đời của nhiều chính sách mới trong việc xuất khẩu hàng dệt may vào Châu Âu.

 

Những thay đổi mới trong chính sách xuất khẩu hàng dệt may vào Châu Âu

Hội nghị Bộ trưởng các nước EU đã thông qua quy định về "Eco Design" (thiết kế sinh thái) vào tháng 4/2023, đánh dấu bước quan trọng trong việc đặt ra các tiêu chuẩn thiết kế nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Đối với ngành dệt may, quy định về Eco Design đang được Hiệp hội Dệt may và các doanh nghiệp trong ngành tích cực triển khai.

Thêm vào đó, ngành dệt may của EU còn phải đối mặt với "Due Diligence" (thẩm định cẩn trọng), quá trình kiểm tra và đánh giá các rủi ro về môi trường, xã hội và quản lý chuỗi cung ứng của sản phẩm. Điều này là một phần quan trọng của việc đảm bảo tính tuần hoàn và quản lý bền vững trong ngành dệt may.

Trong bối cảnh này, EU đã đưa ra chiến lược mới cho ngành thời trang, áp dụng các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn, bao gồm các hướng dẫn về độ bền sản phẩm và quyền sửa chữa. Đồng thời, EU cũng đang xem xét việc áp dụng Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) trên toàn bộ EU đối với sản phẩm thời trang. Điều này buộc các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về cách xử lý, tái chế hoặc sửa chữa sản phẩm của họ, góp phần vào mục tiêu quản lý môi trường và bảo vệ tài nguyên.

Theo đó, đến năm 2030, tất cả sản phẩm dệt may trên thị trường EU phải bền, có thể tái chế. Đáng chú ý, trong năm 2023 EU sẽ xem xét lại luật cơ bản về chất thải, trong đó tập trung vào trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất dệt may sau khi bán hàng tại thị trường EU, đảm bảo vòng đời của sản phẩm (ERP).

 

Tác động của chính sách mới đến hoạt động của doanh nghiệp dệt may Việt Nam

Việc EU ban hành các chính sách trong lĩnh vực thời trang và dệt may đặt ra một loạt các thách thức và khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam cùng với các khó khăn trong tồn đọng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế: nhu cầu suy giảm, lạm phát, tồn kho cao, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng phi mã…:

  • Yêu cầu chất lượng và môi trường cao cấp: EU đặt ra yêu cầu chất lượng sản phẩm và quy định môi trường nghiêm ngặt, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam phải đảm bảo sản phẩm của họ tuân thủ các tiêu chuẩn cao cấp này. Điều này có thể đòi hỏi sự đầu tư vào công nghệ tiên tiến và quá trình sản xuất sạch hơn, điều này có thể tạo áp lực về chi phí và tài nguyên.

  • Thách thức về quản lý chuỗi cung ứng: Để đáp ứng các tiêu chí về trách nhiệm thu hồi, xử lý, tái chế hàng dệt may đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có khả năng quản lý chuỗi cung ứng một cách hiệu quả, đảm bảo rằng tất cả các thành phần trong quá trình sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường và phải có nơi thu hồi, chịu trách nhiệm xử lý tại Châu Âu. Điều này có thể đòi hỏi sự cải tiến trong quản lý và theo dõi chuỗi cung ứng, đặc biệt là phải có doanh nghiệp tại nước ngoài tiến hành xử lý các trách nhiệm xã hội và đòi hỏi nhiều về chi phí sản xuất.

  • Chi phí tăng cao: Tuân thủ các quy định mới về sản xuất hàng dệt may Châu Âu đòi hỏi phải đầu tư vào công nghệ, trang thiết bị và xây dựng một quy trình sản xuất sạch hơn… điều này có thể dẫn đến tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả và lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may.

  • Cạnh tranh gay gắt: Với yêu cầu chất lượng và môi trường cao cấp, các doanh nghiệp tại Việt Nam phải cạnh tranh với các đối thủ từ các quốc gia khác, có thể có lợi thế về công nghệ và nguồn lực. Điều này đặt ra thách thức về việc duy trì sự cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu.

Nhìn chung với mô hình sản xuất hiện tại tại các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, các chính sách về xanh hóa, ERP rất khó khăn khi thực hiện và đòi hỏi nhiều tài lực. Đồng thời hiện nay, các đối tác Châu Âu chưa có động thái nào nên do đó việc cập nhật các chính sách mới sẽ vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp dệt may Việt.

 

Trên đây chính là những thông tin quan trọng về các quy định mới về xuất khẩu dệt may sang thị trường EU, mà May Bình Thuận Nhà Bè muốn chia sẻ để quý khách hàng được biết. Hy vọng rằng với những thông tin này, chúng tôi đã cung cấp cho quý khách hàng cái nhìn rõ ràng về tình hình xuất khẩu dệt may cũng như các quy định xuất nhập khẩu liên quan.